Dân số luôn được xác định là lĩnh vực quan trọng, vừa cấp thiết và lâu dài đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dân số và phát triển (DS&PT) là định hướng mới của Đảng và là chủ đề hội thảo khoa học vừa diễn ra tại Đà Lạt thu hút gần 100 nhà khoa học trên cả nước.
|
Những tân cử nhân chuyên ngành Dân số và phát triển đầu tiên của cả nước vừa nhận bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Đà Lạt |
• DÂN SỐ TRONG NGHIÊN CỨU ĐA DIỆN
Dân số được hiểu đầu tiên là quy mô, tức là tổng số người hay tổng số dân. Chi tiết hơn là nhóm nam và nhóm nữ hoặc các nhóm khác nhau về độ tuổi, nơi ở, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, nghề nghiệp,... tức là nghiên cứu cơ cấu theo một hay một số tiêu thức nào đó. Khái niệm chất lượng dân số đã được đưa vào Pháp lệnh Dân số 2003, là “sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”. Nói đến dân số là “nói đến quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố và những thành tố gây nên sự biến động của chúng, như: sinh sản, tử vong, dân cư” (GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dân số, Gia đình và Trẻ em). Còn khái niệm phát triển bền vững là bao trùm các mặt của đời sống xã hội, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, gìn giữ và cải thiện môi trường, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng và an ninh.
Cần tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu, có tính hệ thống về biến đổi dân số ở Việt Nam và chia sẻ các kết quả nghiên cứu để đề xuất những giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến dân số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Viện Xã hội học
|
Bên cạnh những bàn luận về những chính sách DS&PT, các nhà khoa học còn tập trung nghiên cứu cụ thể ở nhiều khía cạnh chung khác liên quan đến DS&PT như: Mức sinh và các yếu tố ảnh hưởng; Già hóa dân số và những vấn đề của người cao tuổi; Quy mô, cơ cấu dân số và các vấn đề phát triển; Cơ cấu xã hội, an sinh xã hội và dân số; Vấn đề dân số và bình đẳng giới, dân tộc thiểu số.
Với Tây Nguyên, GS.TS. Bùi Thế Cường (Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, Trường Đại học Thủ Dầu Một) trong đề tài “Cơ cấu giai cấp theo thu nhập ở Tây Nguyên giai đoạn 1998 - 2018” đưa ra những kết luận có thể giúp người nghiên cứu và nhà quản lý tham khảo. Đó là, cơ cấu giai cấp và giai tầng xã hội dựa trên thu nhập đã chuyển biến rõ rệt từ dạng tháp sang dạng thoi, tuy nhiên tầng dưới vẫn còn hơn 40%; các giai cấp trung lưu (theo tiêu chí thu nhập) tăng tỷ trọng rõ nét, nhất là trung lưu giữa và dưới; tương phản thành thị - nông thôn rất rõ nét; khác biệt tộc người rất rõ rệt; hệ số chênh lệch thu nhập đã rất cao (năm 1998 tăng 22,5 lần và năm 2018 tăng 37,6 lần); thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm tộc người thiểu số chỉ bằng hơn 40% so với nhóm người Kinh/Hoa.
Nghiên cứu cụ thể về tỉnh Lâm Đồng, ThS. Đào Thị Hiếu (Trường Đại học Đà Lạt) tìm hiểu về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Căn cứ các văn bản của địa phương, tác giả khái quát những số liệu, cơ chế và chính sách, thực trạng công tác đào tạo nghề. Trên cơ sở này, các giải pháp là: triển khai đánh giá nhu cầu của từng nhóm đối tượng; có những chính sách hỗ trợ tài chính giúp người học thực hiện mô hình khởi nghiệp; ưu tiên đào tạo lao động của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội, lao động sinh sống ở địa phương khó khăn; chương trình đào tạo cần gắn nhu cầu; xây dựng các mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và địa phương, xã hội...
• NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÔNG TÁC DÂN SỐ
Nghị quyết số 21, ngày 25/10/2017 của Trung ương khóa XII khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang DS&PT. Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Thực hiện Nghị quyết này, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 520 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Đề án là “Nghiên cứu đẩy mạnh công tác đào tạo về DS&PT trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dân số”.
Hiện, nhu cầu về cán bộ hoạt động lĩnh vực DS&PT ngày càng cao trong khi nguồn cung nhân lực trình độ cao đang thiếu hụt. ThS. Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho biết, Việt Nam còn trên 10.000 cán bộ dân số chưa hoàn thành chương trình nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo yêu cầu quy định. Với Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, nguồn nhân lực đang là bài toán cần nhiều lời giải đòi hỏi vai trò của cán bộ DS&PT. Những thách thức về tăng dân số cơ học do di cư và sự phức tạp của dân cư ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, đầu năm 2021, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt mở ngành đào tạo trình độ cử nhân ngành DS&PT. Ngày 12/8 vừa qua, 101 tân cử nhân chuyên ngành DS&PT trên toàn quốc chính thức nhận bằng tốt nghiệp, trở thành lớp nhân lực đầu tiên ở Việt Nam có trình độ cử nhân chuyên ngành này.
Là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành DS&PT, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, TS. Mai Minh Nhật cho biết: “Nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo...”. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Lâm Đồng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ dân số.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin