Đặt mục tiêu tới năm 2025 có 100% đường huyện, đường xã và đường thôn, liên thôn được trải nhựa hoặc bê tông hóa

06:08, 30/08/2022
(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 1523/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển đường giao thông nông thôn, phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
 
Theo UBND tỉnh, mục tiêu chung của Đề án là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo chất lượng, bền vững nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, gắn kết mạng lưới giao thông khu vực nông thôn với mạng lưới giao thông của huyện, tỉnh, tạo sự kết nối thông suốt; đảm bảo lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, nhanh chóng.
 
Nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông để xây dựng tỉnh Lâm Đồng đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới trước năm 2025 theo Kế hoạch số 47- KH/TU ngày 3/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 81/NQ- HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND tỉnh về Đồ án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới. Cụ thể, ít nhất 42,3% số xã (ít nhất 47 xã) đạt chuẩn tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
 
Về cấp huyện: 100% số huyện đạt chuẩn tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới. Trong đó, ít nhất 2 huyện đạt chuẩn tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
 
Mục tiêu cụ thể Đề án đặt ra là tới năm 2025 sẽ có 100% đường huyện, đường xã và đường thôn, liên thôn được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 85% trở lên số km đường ngõ, xóm, hẻm, đường nội đồng được nhựa hóa hoặc đổ bê tông đáp ứng yêu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hóa.
 
Nhiệm đặt ra cho giai đoạn này là xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 829 km đường giao thông nông thôn với tổng đầu tư khoảng 1.596 tỷ đồng; trong đó có 118 km đường huyện, đường xã đạt chuẩn quy hoạch; 252 km đường thôn, liên thôn, 420 km đường ngõ, xóm, hẻm và 39 km đường nội đồng.
 
Hàng năm, tỉnh sẽ tiến hành bảo trì 737 km đường huyện, 1.416 km đường xã và 1.614 km đường thôn với tổng kinh phí 112 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng bến xe khách tại các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông và Đạ Huoai đạt tiêu chuẩn cấp IV trở lên, với tổng số vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đồng. Các địa phương còn lại duy trì hoặc đầu tư nâng cấp bến xe đạt từ loại III trở lên…
 
Dự kiến nguồn vốn thực hiện các tuyến đường huyện, đường xã với tổng số vốn 723 tỷ đồng. Số tiền này sử dụng nguồn ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện theo kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và kế hoạch đầu tư công hằng năm.
 
Đường thôn, liên thôn, ngõ, hẻm và đường nội đồng với tổng đầu tư 873 tỷ đồng, cùng nguồn vốn để bảo trì giao thông nông thôn là 112 tỷ đồng. Cả 2 hạng mục này đều sử dụng từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác. Riêng nguồn vốn đầu tư hạ tầng bến xe sẽ huy động từ các nguồn xã hội hóa.
 
Tỉnh cũng sẽ thực hiện trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông với 67 tỷ đồng, lấy từ ngân sách địa phương trong Chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án; Tỉnh ủy quyền cho Sở Giao thông Vận tải quyết định bàn hành thiết kế mẫu thiết kế điển hình, áp dụng các thiết kế sẵn có, quy định quản lý vận hành công trình, quy trình bảo trì, mức chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án đường giao thông nông thôn…
 
Về cơ chế hỗ trợ đầu tư: Đối với đường huyện, đường xã ngân sách nhà nước đầu tư 100%; Đối với đường thôn, liên thôn, ngõ, xóm, hẻm và đường nội đồng các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tổng mức đầu tư công trình.
 
Các xã khu vực II ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư công trình; Các xã, thị trấn khu vực I ngân sách nhà nước hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư công trình; Các xã, thị trấn còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư công trình; Các phường thuộc TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư công trình.
 
UBND các huyện và 2 thành phố được giao lập kế hoạch, danh mục tuyến đường và cân đối ngân sách hàng năm thực hiện dự án. UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, đăng ký danh mục những tuyến đường cần xây dựng và tuyên truyền vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn…
 
C.PHONG