Đồng hành cùng thiếu nhi trong học tập và phát triển

06:08, 24/08/2022
Với chủ đề “Thiếu nhi Lâm Đồng - Học tốt chăm ngoan, vui khỏe an toàn”, công tác Đội và Phong trào Thiếu nhi năm học 2021-2022 đã được Hội đồng Đội các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện bằng nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa. 
 
Mô hình Thư viện xanh tại Trung tâm Hoạt động Thanh, thiếu nhi tỉnh góp phần phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi
Mô hình Thư viện xanh tại Trung tâm Hoạt động Thanh, thiếu nhi tỉnh góp phần phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi
 
•  ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TRIỂN KHAI
 
Năm học vừa qua, tỉnh Lâm Đồng có 12 Hội đồng Đội cấp huyện, thành phố trực thuộc; 142 Hội đồng Đội cấp xã, phường, thị trấn với tổng số 393 Liên đội. Toàn tỉnh có 218.471 đội viên, thiếu niên, nhi đồng, trong đó có 80.400 đội viên. Chị Trần Diệp Mỹ Dung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Đội các cấp đã đổi mới phương thức triển khai phong trào và các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ thiếu nhi. 
 
Trong năm học 2021-2022, Hội đồng Đội tỉnh đã đẩy mạnh triển khai chương trình “Triệu ly sữa” với hơn 10.900 chai sữa và các sản phẩm từ sữa được hỗ trợ cho thiếu nhi. Phối hợp triển khai thiết thực, hiệu quả các Chương trình “Cùng em học trực tuyến”, “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”. Cụ thể đã xây dựng 1 trạm phát sóng 4G, tặng 130 sim Vinaphone, 100 sim Mobiphone, 1.000 sim Viettel, 11 điện thoại di động và 10 máy tính bảng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
 
Thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội các cấp, 100% Liên đội trong toàn tỉnh thường xuyên vận động các nguồn xã hội hóa để trao tặng các suất học bổng, dụng cụ học tập cho các em đội viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ sữa, thiết bị học trực tuyến, tặng khẩu trang, vật tư y tế,... cho các em thanh, thiếu nhi bị nhiễm COVID-19 hay trong thời gian thực hiện cách ly y tế với tổng kinh phí hơn 5,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho 51.101 thiếu nhi khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiếu nhi về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc, 393/393 Liên đội trong toàn tỉnh đã tổ chức cho 35.992 em đội viên, thiếu nhi đến với các địa chỉ đỏ tại địa phương theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong tình hình dịch bệnh, nhiều Liên đội linh hoạt chuyển đổi sang hình thức công chiếu video giới thiệu địa chỉ đỏ, các khu di tích để kịp thời tuyên truyền đến đông đảo đội viên. 
 
•  TẠO MÔI TRƯỜNG ĐỂ THIẾU NHI RÈN LUYỆN
 
Triển khai thực hiện Phong trào “Thiếu nhi Lâm Đồng thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, các Liên, Chi đội đã duy trì, nghiên cứu chuyển đổi, hướng dẫn hình thức, nâng cao hiệu quả sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” với 2.965 buổi trong năm học, thu hút 218.030 em tham gia. 
 
Tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Học tập tốt, lao động tốt”, các Liên đội tích cực nghiên cứu, sáng tạo các mô hình, hoạt động giúp nâng cao hiệu quả phong trào, tạo môi trường để đội viên, học sinh tích cực, chủ động trong học tập. Tổ chức các hoạt động định hướng, khuyến khích thiếu nhi chủ động trang bị những kiến thức về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng xã hội; hướng dẫn cho các em tiếp cận sử dụng internet phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh không thể học trực tiếp ở trường. 
 
Bên cạnh đó, Hội đồng Đội các cấp cũng tổ chức hiệu quả các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi thông qua Mô hình “Thư viện măng non”. Đối với công tác thiếu nhi ở địa bàn dân cư, toàn tỉnh có 142 Hội đồng Đội cấp xã đều triển khai và thực hiện tốt công tác thiếu nhi trên địa bàn dân cư. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình như câu lạc bộ sở thích, lớp học tình thương, đội tuyên truyền, phát thanh măng non,... nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư.
 
Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh xây dựng mới 15 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi cấp huyện với tổng kinh phí 336,5 triệu đồng. Trong đó, mô hình cấp tỉnh được tổ chức tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh với Điểm sinh hoạt cộng đồng và Mô hình “Không gian đọc sách, tương tác, sinh hoạt Đội”. Theo anh Trịnh Xuân Du - Bí thư Đoàn xã An Nhơn, từ việc tận dụng các hội trường, điểm trường không còn sử dụng do sáp nhập thôn, tổ dân phố để cải tạo thành các điểm vui chơi, điểm sinh hoạt dành cho thanh, thiếu nhi của địa phương đã giúp cho các em có được một sân chơi tập trung lành mạnh, giúp các em vừa học tập vừa vui chơi, đặc biệt là trong dịp hè này. 
 
Chị Trần Diệp Mỹ Dung nhấn mạnh: “Thời gian tới, Hội đồng Đội các huyện, thành phố tiếp tục thường xuyên đổi mới công tác lãnh chỉ đạo; kịp thời nắm bắt, theo dõi, kiểm tra hoạt động tại các liên đội; đặc biệt là các đơn vị vùng sâu vùng xa, các Liên đội có giáo viên Tổng phụ trách mới. Từng bước đổi mới sinh hoạt Câu lạc bộ Tổng phụ trách và hoạt động giao ban Tổng phụ trách định kỳ hàng tháng. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị gắn với chủ đề, chủ điểm hàng tháng để nâng cao chất lượng công tác Đội và Phong trào Thiếu nhi”.
 
VIỆT QUỲNH