Nhằm hạ gục ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, kẻ thù đã dựng lên hệ thống nhà tù với chế độ giam cầm hà khắc, tra tấn dã man. Nhưng, đòn roi, nhục hình của chúng không những không làm lung lay niềm tin, lý tưởng mà còn thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tinh thần quả cảm, khí phách hiên ngang của người cộng sản, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
|
Nữ cựu tù Trần Thị Hà cùng chồng xem lại kỷ vật vải thêu tại “địa ngục trần gian” |
•
MƯỜI BA TUỔI XUNG TRẬN
Trong hành trình đi tìm lại nhân chứng lịch sử của hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc, chúng tôi may mắn gặp được chiến sĩ cách mạng Trần Tuấn Thảo. Ông sinh năm 1952, hiện sống tại Phường 9, Đà Lạt, một trong những cựu tù bị địch giam cầm tại nhà lao Đà Lạt trước đây. Ông cho biết, vùng đất Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định - nơi ông sinh ra và lớn lên - những ngày năm 1965 địch ngày đêm dội pháo, lùng sục, tàn sát dân làng. Nung nấu lòng căm thù giặc cùng với sự dẫn dắt lý tưởng cách mạng của người đi trước, 13 tuổi, ông xung phong nhận nhiệm vụ liên lạc cho xã, rồi Huyện ủy An Nhơn.
Tháng 5/1967, ông Thảo lên Đà Lạt, sau đó được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam và tham gia hoạt động võ trang tại đây. Tháng 11/1969, ông bị địch bắt khi mới 17 tuổi. Chúng liên tục dùng nhục hình tra tấn, chích điện vào ngón tay, ngón chân, lỗ tai, hạ bộ, đánh bằng roi cá đuối, bỏ vào thùng phuy ngập nước và dùng gậy ba tắc đánh mạnh khiến máu tai, máu mũi, máu miệng sộc trào ra. Nhưng ông Thảo vẫn kiên quyết không khai. Bất lực, chúng miễn cưỡng trả tự do cho ông vào đầu năm 1974.
|
Các chiến sĩ bị địch bắt tù đày về thăm lại Nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Tư liệu |
•
HIÊN NGANG TRƯỚC BẠO TÀN
Trong cuộc chiến, kẻ thù đã không từ một thủ đoạn tàn bạo nào. 75 tuổi, nữ cựu tù Trần Thị Hà, hiện ngụ tại Phường 5, TP Đà Lạt không bao giờ quên những hành hạ, tra tấn của cai tù và cả sự kiên cường của của đồng đội. Sinh ra và lớn lên ở Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng, 21 tuổi, bà tham gia làm liên lạc, nhưng chưa đầy một năm, tháng 2/1970, bà Hà bị địch bắt vì có kẻ chiêu hồi phản bội khai báo. Ở nơi ngục tù, bị treo xà ngang, đánh đập, chích điện đến chảy máu tai, bị đưa từ nhà tù này đến nhà tù khác nhưng chưa một lần bà chịu khuất phục. Đòn roi: “Tôi không biết”. Chích điện: “Tôi không biết”. Đổ nước sôi vào tay: “Tôi không biết”. “Một sống, một chết, quyết không khai” - bà khẳng khái nói.
Tại quân lao Nha Trang, chúng kết án bà 5 năm tù khổ sai, bà hiên ngang vỗ tay lớn. Bởi với bà “không có tội, không sợ, không yếu mềm trước bọn khát máu”. Trong ngục tù, các nữ tù chính trị như được mài sáng thêm ý chí, nghị lực, tinh thần, bà Hà kể, một nữ bạn tù người Bình Định bị chích điện, đánh đến chấn động thần kinh. Mỗi lần cơn đau đến, lại la hét, không kiểm soát được, bạn tù phải giữ lại, nhưng tỉnh lại, người con gái ấy lại hát vang bài ca cách mạng mặc cho đòn roi đánh đập.
Sau một tháng chịu tù đày ở quân lao Nha Trang, nữ tù Trần Thị Hà tiếp tục bị đày ra Côn Đảo, là “địa ngục trần gian” thời đó. Ở đó, chúng tiếp tục đòn roi, tra tấn, nhưng bà và các chiến sĩ yêu nước vẫn giữ vững lý tưởng cách mạng, một mực trung thành với con đường đã chọn. “Đã đến đây, thà chết, không khuất phục” - giọng nói của bà Hà vẫn kiên trung như ngày nào.
Dù trong ngục tù khổ ải nhưng không ai suy yếu tinh thần, kỷ luật và chế độ sinh hoạt được giữ vững; họ hỗ trợ lẫn nhau, người còn khỏe giúp người suy kiệt.
Mỗi người một việc từ vệ sinh, khiêng nước, thêu thùa, văn nghệ, đến học văn hóa chính trị... Sau gần 5 năm ở tù Côn Đảo, bà bị đày về nhà lao Tân Hiệp, nay thuộc tỉnh Đồng Nai, sau đó bà được trả tự do, chỉ ba tuần trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 4 năm 1975.
|
Cựu tù Mai Bốn nhớ lại hành động rạch bụng phản đối địch ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt |
•
TỰ MỔ BỤNG ĐỂ PHẢN ĐỐI KẺ THÙ
Trước sự kiên định, nhất quyết không đầu hàng của các chiến sĩ cách mạng, địch không ngừng thay đổi thủ đoạn, tăng mức độ tra tấn, hòng làm nhụt ý chí của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng, họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, quyết không li khai - như cựu tù Mai Thanh Minh, tức Mai Bốn, sinh năm 1954. Với ông, đó là những năm tháng vượt qua đòn roi, nhục hình giữ vững niềm tin, kiên trì đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
13 tuổi, ông Mai Bốn làm liên lạc, 16 tuổi bị bắt và kết án 10 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo, là tù chính trị trẻ tuổi nhất của “địa ngục trần gian” ngày đó. Dù bị giam cầm, tra tấn man rợ tại hầm đá, chuồng cọp, chuồng bò... nhưng kẻ thù vẫn không khuất phục được ông. Vì tuổi nhỏ, chúng chuyển ông về nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Chính tại đây, để phản đối sự đàn áp của địch, ông cùng 4 đồng đội đã tự mổ bụng lòi ruột, để khẳng định một ý chí: “Cách mạng muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Với sự đấu tranh không khoan nhượng và liên tục của các chiến sĩ yêu nước nhỏ tuổi, cuối cùng Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt bị giải tán vào tháng 6 năm 1973, hai năm trước ngày đất nước thống nhất.
Tinh thần yêu nước nồng nàn, bất khuất, dũng cảm đấu tranh trước mọi kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng đã góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta - đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Ngọn lửa hào hùng, kiên trung mà các cựu tù chính trị đã thắp lên mãi là nguồn động lực, lan tỏa, soi sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Tháng Tám mùa thu cách mạng, hàng chục triệu người con đất Việt vô cùng tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc, nỗ lực phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam văn minh, giàu đẹp và cường thịnh hơn...
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin