(LĐ online) - Ngày 5/8, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học.
|
Hội nghị tổng kết 10 năm tổ chức Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia |
•
LÂM ĐỒNG VỪA ĐẠT CAO SỐ LƯỢNG GIẢI VỪA CÓ GIẢI QUỐC TẾ
Niềm vui đối với tỉnh Lâm Đồng là tuy tỉnh miền núi Tây Nguyên còn nhiều khó khăn nhưng trong 10 năm qua, số lượng giải đạt được của Lâm Đồng xếp thứ 3 toàn quốc với 59 giải (chỉ sau TP Hà Nội với 137 giải và TP Hồ Chí Minh với 97 giải). Vị thứ thứ 4 là tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạt 45 giải. So với khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum 20 giải, Đắk Lắk 12 giải, Đắk Nông 6 giải và Gia Lai 2 giải.
Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia tổ chức lần đầu vào năm 2013 đến nay là 10 năm. Hàng năm, có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia. Từ kết quả cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện để tham gia Hội thi KHKT quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức. Đối với tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 14 lần Cuộc thi KHKT cấp tỉnh; đặc biệt, đã có 6 lần tham dự Hội thi quốc tế ISEF và đã đoạt 1 giải ba, 1 giải tư và 2 giải đặc biệt.
|
Biểu đồ thống kê số lượng đề tài đạt giải cấp Quốc gia |
• SÂN CHƠI GIÚP HỌC SINH THỂ HIỆN TÀI NĂNG, SỰ SÁNG TẠO
Cuộc thi KHKT với các mục đích: Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, cuộc thi cũng tạo môi trường tốt cho học sinh thực hành tiếng Anh. Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.
Mặt khác, Cuộc thi còn khuyến khích cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học. Tăng cường mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với giáo dục phổ thông; khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông; tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh phổ thông được tiếp cận, giao lưu học thuật với các nhà khoa học, giảng viên đại học, viện nghiên cứu; khai thác các nguồn lực trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học.
Cuộc thi KHKT cũng nhằm tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Kết quả 10 năm của cuộc thi KHKT đã thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển các ước mơ khoa học tạo sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin