Lâm Hà vùng đất nhiều tiềm năng - Cơ hội phát triển đột phá trong tương lai

05:08, 06/08/2022
(LĐ online) - Lâm Hà là tên ghép từ 2 địa danh Lâm Đồng và Hà Nội, mà những người dân Hà Nội mới vào khai phá vùng đất mới này đặt tên rất sâu sắc để gắn kết 2 vùng quê hương mới và cũ của họ với quyết tâm cao sinh sống và khai phá vùng đất mới này với biết bao điều hứa hẹn.
 
Một điểm du lịch tại huyện Lâm Hà. Ảnh: Hương Ly
Một điểm du lịch tại huyện Lâm Hà. Ảnh: Hương Ly
 
VÙNG ĐẤT NHIỀU TIỀM NĂNG 
 
Trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh cùng với một số xã khác của huyện Đức Trọng, ngày 28/10/1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định thành lập huyện mới Lâm Hà. Toàn bộ ranh giới huyện Lâm Hà, gồm: 2 thị trấn (Đinh Văn, Nam Ban) và 14 xã (Tân Hà, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Thanh, Nam Hà, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Thanh, Đan Phượng, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức). Với tổng diện tích tự nhiên 93.023 ha, huyện Lâm Hà có nhiều tiềm năng phát triển. 
 
Về khí hậu, do có vị trí đặc biệt khi nằm ở thềm chuyển tiếp của cao nguyên và bình nguyên với độ cao từ 800 đến 1.000 m so với mực nước biển cùng địa hình đồi núi nối tiếp thoai thoải, nên khí hậu ở Lâm Hà mang đặc điểm của khí hậu cận ôn đới, á nhiệt đới rất mát mẻ. 
 
Cũng giống như Đà Lạt hay một số khu vực lân cận, Lâm Hà có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa phân bố đều trong năm, vì vậy, khả năng sinh thủy tốt, có nguồn nước mặt dồi dào rất thuận cho phát triển nông nghiệp. Do đó, Lâm Hà là một trong những địa phương ít bị tổn thương của biến đổi khí hậu.
 
Về đất đai, Lâm Hà là một trong 4 địa phương có quy mô diện tích lớn (Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương và Lâm Hà). Tổng diện tích khoảng 93.000 ha; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 58.500 ha; diện tích đất lâm nghiệp 23.000 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn, đất ở đô thị và đất chưa sử dụng... Đặc biệt, với đất phù sa và bazan màu mỡ chiếm diện tích lớn toàn huyện, do đó, thích hợp trồng các cây công nghiệp dài ngày, rau hoa và cây ngắn ngày;
 
Nhờ có khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hầu hết là đất đỏ bazan phủ trên nhiều xã trong huyện, vì vậy, Lâm Hà là địa phương thuộc nhóm huyện sản xuất nông nghiệp đa cây, đa con nhất tỉnh Lâm Đồng với quy mô hàng hóa; rất thích hợp trồng nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
 
Cũng chính nhờ có khí hậu đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh, có hệ thống sông, suối đi qua, có nhiều hồ đa chức năng, có đa dạng nét văn hóa các dân tộc, Lâm Hà có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay du lịch chưa quá phát triển, nơi đây vẫn giữ nguyên được nét đẹp hoang sơ vốn có với rất nhiều điểm check-in đẹp, du khách có thể đắm chìm trong sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây và cảm nhận hơi thở của núi rừng trong lành, khí trời trong veo và man mát như mở lòng đón chào từng du khách gần xa đến với Lâm Hà; 
 
Huyện Lâm hà có giao thông thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, đi du lịch và khả năng liên kết vùng rất thuận lợi trước mắt và lâu dài. Để đến Lâm Hà, nhà đầu tư hoặc du khách có thể dễ dàng di chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Nếu đi từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, máy bay là phương tiện thuận lợi nhất. Sài Gòn chỉ cách Lâm Hà khoảng 330 km nên du khách các tỉnh miền Tây và miền Đông có thể di chuyển bằng xe ô tô và dừng chân cuối ở Lâm Hà. Ngoài di chuyển bằng xe ô tô trực tiếp đến Lâm Hà du khách cũng có thể đi bằng máy bay từ Sài Gòn đến Đà Lạt rồi thuê xe máy hoặc ô tô di chuyển đến Lâm Hà đều rất thuận lợi. 
 
Hệ thống đường liên huyện, đường huyện, đường liên xã kết nối đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là cơ sở quan trọng kết nối với hệ thống cao tốc và các dự án giao thông quốc gia có quy mô lớn là điều kiện liên kết vùng rất thuận lợi trong tương lai.
 
Trong tương lai gần, các dự án phát triển giao thông liên kết vùng thuộc thẩm quyền Bộ Giao thông Vận tải và của tỉnh Lâm Đồng như: Đường cao tốc Liên Khương - Buôn Mê Thuột, Quốc lộ 27, đường Trường Sơn Đông, các đường Tỉnh lộ: ĐT.724, ĐT.725, ĐT.726 hoàn thiện. Từ trung tâm huyện Lâm Hà có thể kết nối cảng hàng không quốc tế Liên Khương chỉ khoảng 20 phút và kết nối cao tốc Dầu Giây – Liên Khương qua nút giao Quốc lộ 27 tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng khoảng 15 phút, từ đó du khách có thể di chuyển các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh Nam Trung bộ;
 
 Lâm Hà là địa phương có tính chất đa văn hóa các dân tộc, dân tộc gốc Tây Nguyên và dân tộc gốc Tây Bắc, đa văn hóa của người dân từ mọi miền đất nước hội tụ về đây. Đặc biệt, văn hóa của dân cư gốc Hà Nội ngàn năm văn hiến là nét văn hóa rất riêng của huyện Lâm Hà so với các huyện khác không chỉ ở Lâm Đồng mà còn phạm vi cả nước. Đến năm 2021, dân số Lâm Hà khoảng 145.552 người; trong đó, dân gốc Hà Nội là 87.670 người, chiếm gần 61%, đây là nét văn hóa riêng có nhiều tiềm năng cần khai thác trong các hoạt động văn hóa, du lịch đối với huyện Lâm Hà.
 
Xét về văn hóa, Lâm Hà được coi là trung tâm kết nối tình nghĩa quê hương rất sâu đậm, từ đó tạo nền tảng vừa truyền bá phát triển văn hóa vừa thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho huyện nhà. Nhìn chung, tuổi trung bình dân số của Lâm Hà còn trẻ; tuổi trẻ có nhiều khát vọng, ý chí phấn đấu học tập là cơ sở quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;
 
Lâm Hà có hệ thống các sông Đồng Nai, sông Đạ Đờn, sông Đạ Dâng và suối Cam Ly… chảy bao quanh huyện, dọc sông Đồng Nai và hồ thủy điện Đồng Nai 2 và 3 tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, do đó Lâm Hà sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch. Lâm Hà có cảnh quan đẹp nhờ có hệ sinh thái rừng, hệ thống sông suối xen kẽ với vườn cây công nghiệp và cây ăn quả tạo mảng xanh bạt ngàn. Các tuyến cảnh quan không gian mở dọc suối Cam Ly, sông Đồng Nai, suối Đạ K’Nàng và các hồ thủy lợi với nhiều cảnh quan đẹp như Hồ Phúc Thọ, Hồ Đông Thanh có thể khai thác du lịch quanh năm.
 
 Lâm Hà có độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 900 m, đặc biệt có địa hình đồi thoai thoải, do đó rất thuận lợi cho vừa phát triển đô thị có thiết kế đô thị đẹp, vừa phát triển nông nghiệp bền vững vừa phát triển đô thị độc đáo, hiếm có theo hướng làng đô thị xanh, đô thị sinh thái thông minh, biệt thự vườn... rất lý tưởng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
 
Trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực phát triển dân cư, mà giá trị cốt lõi nhất mang lại trong thực tiễn đời sống xã hội đó là tập trung xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 812/QĐ-Ttg ngày 12/7/2022 về việc công nhận huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. 
 
Có thể nói, kết quả này là sự phấn đấu kiên trì của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự đóng góp công sức của toàn thể nhân dân các dân tộc của huyện nhà trong suốt trên 10 năm qua, tạo điều kiện để Lâm Hà vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. 
 
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. đó là: Phát triển dân cư nông thôn không theo quy hoạch, phát triển đô thị chậm so với tiềm năng; Định hướng du lịch chưa có hệ thống, chưa bài bản, chuyên nghiệp với tầm nhìn dài hạn, còn thiếu vắng các du lịch loại hình du lịch văn hóa, du lịch nghĩ dưỡng cao cấp...; việc quản lý khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, thiếu bền vững; phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng khí hậu, đất đai; công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế, mất tài nguyên rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học.
 
KHAI THÁC TIỀM NĂNG, TẠO ĐỘT PHÁ TRONG TƯƠNG LAI
 
Trên cơ sở những tiềm năng lợi thế so sánh, xác định những hạn chế tồn tại, Lâm Hà cần những giải pháp cơ bản nhằm khai thác tiềm năng tạo đột phá trong tương lai.
 
Thứ nhất, về quản lý tài nguyên, khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, tập trung rà soát việc cấp phép và khai thác khoáng sản theo hướng bền vững; xác định, phân vùng kiểm soát về tác động đến môi trường đối với các khu vực: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không tác động; khu vực có thể xây dựng công trình (khu đô thị, khu dân cư, sản xuất công, nông nghiệp, khai thác khoáng sản, du lịch lưu trú, thương mại…);
 
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định khi thi công, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng; khuyến khích sử dụng nhiện liệu sạch, tiết kiệm năng lượng. Thường xuyên chỉnh trang các tuyến đường; tổ chức thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định. 
 
Thực hiện có hiệu quả các phương án về quy hoạch, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Tăng cường trồng cỏ, cây xanh tạo cảnh quan, môi trường sinh thái cho khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn. Do tính chất văn hóa từng xã có nét rất riêng, nên chăng ở mỗi xã, thị trấn, huyện chọn một loại cây cảnh quan đặc trưng nhất trồng để vừa nhận diện văn hóa của xã đó và tạo ấn tượng cho người dân địa phương và du khách khi đến Lâm Hà;
 
Thứ hai, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Như đã phân tích nêu trên, dân số Lâm Hà năm 2021 là 145.552 người; dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 160.000 người; đến năm 2035 khoảng 192.000 người và đến năm 2050 khoảng 240.000. Để có dân số này, ngoài việc tăng dân số tự nhiên thì tăng dân số cơ học dự báo trong thời gian tới là khá lớn. Đây là nguồn nhân lực khá dồi dào, vấn đề còn lại cần huyện cần tiến hành nhiều giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 
 
Trước hết, huyện tập trung chăm lo công tác giáo dục đào tạo; phát huy tốt công tác khuyến học, khuyến tài để đào tạo nguồn nhân lực từ các cấp học phổ thông; phát hiện công chức, viên chức trẻ có nhiều triển vọng để đào tạo trình độ chuyên và lý luận; đồng thời, thu hút các nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có trình độ quản trị giỏi ở các địa phương khác có tâm huyết với quá trình phát triển của huyện Lâm Hà trong tương lai
 
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Rà soát tất cả các ngành và lĩnh vực từ đó xác định rõ yếu và thiếu ở khâu nào cần tác động khoa học công nghệ. Chú trọng đầu tư đồng bộ các nguồn lực (tài lực, nhân lực, vật lực…), xác định lấy khoa học công nghệ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ 4.0; thực hiện tối đa chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; tăng cường đổi mới sáng tạo trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần có quan điểm chỉ đạo khoa học, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện với tầm nhìn dài hạn.
 
Thứ tư, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Có giải pháp đồng bộ khai thác tối ưu tiềm năng khí hậu, đất đai để phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn; phát huy những kết quả trong thời gian qua; đồng thời, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện Quyết định số 812/QĐ-Ttg ngày 12/7/2022 về việc công nhận huyện Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; với quyết tâm cao phấn đấu trong những năm tới đáp ứng yêu cầu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 
 
Huyện cần rà soát các điều kiện cần và đủ lồng ghép lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào dịp 35 năm thành lập huyện, xem đây là sự kiện văn hóa, chính trị, du lịch và thu hút đầu tư để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo và tinh thần yêu quê hương đất nước và con người Lâm Hà hơn nữa trong mọi tầng lớp Nhân dân.
 
Thứ năm, phát triển du lịch xanh: Có giải pháp đồng bộ, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước con người Lâm Hà để phát triển du lịch xanh; đa dạng hóa các loại hình du lịch có lợi thế, đặc biệt là du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch dưới tán rừng… 
 
Phát triển du lịch, cảnh quan tại thác Voi, thác Bảy tầng, thác Liêng Sêr Nha, thác Sar Đeung; du lịch sinh thái tại Khu du lịch Thác Voi, chùa Linh Ẩn, chùa Bửu Liên, nhà thờ R‘Lơm, hồ Đông Thanh, dọc sông Đồng Nai và hồ thủy điện Đồng Nai 2 và 3; khai thác tuyến du lịch thể thao mạo hiểm Tà Nung - Nam Ban. 
 
Phát triển Du lịch làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Đạ Đờn, làng nghề dâu tằm tơ tại thị trấn Nam Ban và các nghề thủ công truyền thống tại xã Mê Linh. Tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại thị trấn Nam Ban; mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, cà phê. Chủ động triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thứ sáu, phát triển đô thị sinh thái thông minh phù hợp với xu hướng phát triển thời đại. Có giải pháp đồng bộ triển khai Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; với mục tiêu phát triển huyện Lâm Hà đảm bảo tính toàn diện, hài hòa và bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng huyện đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng; trong đó, tập trung phát triển thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch sinh thái, du lịch hỗn hợp và thương mại, dịch vụ. 
 
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của Nhân dân; căn cứ vào Văn bản số 5598/UBND-QH ngày 09/8/2021 2022  của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chấp thuận chủ trương liên danh T&T group và Futa group nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch chung khu chức năng và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Lâm Hà, theo đó quy mô nghiên cứu khoảng 15.400 ha, gồm các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm và Phi Tô. Trên cơ sở đó, huyện cần chủ động phối hợp với các ngành triển khai khi cơ quan thẩm quyền phê duyệt dự án theo quy định góp phần thay đổi diện mạo mới trong tương lai.
 
Thứ bảy, về thu hút đầu tư, trong thời gian tới, huyện Lâm Hà có giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn quảng bá hình ảnh quê hương đất nước con người Lâm Hà nhằm thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư chiến lược tập trung dự án về các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; công nghiệp chế biến nông sản; du lịch chất lượng cao, du lịch canh nông, phát triển đô thị, phát triển khu dân cư, văn hóa và giáo dục... 
 
Qua phân tích nêu trên cho thấy Lâm Hà là vùng đất nhiều tiềm năng. Trong thời gian qua, huyện có nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả nhất định, song chưa khai thác tương xứng tiềm năng. Do đó, trước yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với xu thế thời đại, tính tất yếu huyện Lâm Hà cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt sát thực tế nhằm khai thác tiềm năng lợi thế tạo đột phá Lâm Hà trong tương lai.
 
PHẠM S
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng