(LĐ online) - Sáng 24/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổng kết năm học 2021-2022 và thảo luận đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 của ngành Giáo dục mầm non với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở, các phòng chức năng thuộc Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện và cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị ngành Giáo dục mầm non |
Kết quả năm học 2021-2022 ghi nhận đầu tiên là ngành giáo dục mầm non đã đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện các Thông tư mới…; Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính trong trường học; Tăng cường công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra bằng nhiều hình thức.
Cùng với đó, rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, 100% huyện, thành phố đều quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2025; 100% xã đều có trường mầm non, bình quân 1 xã có 1,62 trường, trong đó 172 trường công lập, 59 trường ngoài công lập, tăng 1 trường mầm non tư thục so với năm học 2020 - 2021. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 231 trường mầm non, mẫu giáo; trong đó trường công lập 75,32%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 69,7%, tăng 5 trường so năm học trước. Số trẻ toàn tỉnh tăng 3.578 trẻ so với đầu năm; duy trì sĩ số đến cuối năm học đạt 99,02%. Số trẻ dân tộc thiểu số là 15.187/35.064cháu, đạt tỷ lệ huy động 43,31%...100% trường có tổ chức bán trú và trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Tháng 12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Ngành thực hiện có hiệu quả về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Song song với đó là phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên (tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên 6.732 người, trong đó 94,2% cán bộ có trình độ đào tạo trên chuẩn; 87.36% đạt chuẩn và 63,24% trên chuẩn đối với giáo viên).
Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn và hạn chế để thảo luận đề ra nhiệm vụ và giải pháp khắc phục trong năm học 2022-2023. Đó là chủ động linh hoạt trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh; tỷ lệ trẻ béo phì tăng; đội ngũ và cơ sở vật chất trường học còn thiếu so với nhu cầu, nhất là xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thực hiện đúng theo Đề án thành lập trường, nhóm, lớp; tổ chức thực hiện chương trình tích hợp khi chưa được thẩm định.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin