Ngành Y tế Lâm Đồng đổi mới, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động (bài cuối)

06:08, 22/08/2022
[links()]
 
Bài cuối: Một số vấn đề đặt ra
 
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Y tế Lâm Đồng đã tổng kết, đánh giá và đề ra phương hướng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khen thưởng các điển hình xuất sắc của ngành Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khen thưởng các điển hình xuất sắc của ngành Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19
 
•  MỘT SỐ ĐƠN VỊ THU KHÔNG ĐỦ CHI DO ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH COVID-19
 
Đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, giai đoạn 2019-2021 phân loại và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế kể từ ngày 01/01/2020 (năm đầu thời kỳ ổn định giai đoạn 2020-2022) như sau: 20 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 1 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi hoạt động. Năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã chuyển từ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động sang tự đảm bảo toàn bộ.
 
Mới đây, 18/8, Sở Y tế Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Tài chính về nhu cầu kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trên cơ sở báo cáo tình hình tài chính năm 2021 và nhu cầu kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nguồn thu của đơn vị giảm sút một số đơn vị nguồn thu không đảm bảo kinh phí để thực hiện chi trả tiền lương của các đơn vị trong ngành Y tế, nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh giảm mạnh và tiền lương thu được đã giảm trừ trong dự toán nhỏ hơn so với số thu thực hiện được, Sở Y tế đề nghị ngân sách nhà nước bổ sung quỹ tiền lương do nguồn cải cách tiền lương thiếu, không đủ đảm bảo chi lương theo thực phát sinh và tiền lương thu được không đảm bảo cho 3 đơn vị số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Cụ thể: Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai 1,7 tỷ đồng; Trung tâm Y tế Đam Rông gần 727 triệu đồng và Trung tâm Y tế Cát Tiên gần 220 triệu đồng. 
 
Hiện nay, việc bổ sung kinh phí, đơn vị đã tạm ứng từ nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh để chi trả tiền lương là rất cấp bách và cần thiết. Các đơn vị thu không đủ chi là những đơn vị thuộc huyện nghèo, có tình hình tài chính khó khăn, cần sự quan tâm kịp thời cấp kinh phí hoàn trả phần kinh phí đã tạm ứng chi trả tiền lương để đơn vị có kinh phí chi trả các khoản công nợ, chi phí duy trì các hoạt động phục vụ cho công tác chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh là rất cần thiết. Do vậy, Sở Y tế đề nghị Sở Tài chính xem xét tổng hợp đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chi lương cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch bệnh COVID-19 năm 2021.
 
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận tặng hoa cho đại diện đoàn cán bộ y tế tỉnh gồm 50 người hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh năm 2021
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận tặng hoa cho đại diện đoàn cán bộ y tế tỉnh gồm 50 người hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh năm 2021
 
•  ĐỀ XUẤT KHÔNG CẮT GIẢM BIÊN CHẾ 
 
Sở Y tế Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh không cắt giảm biên chế công chức và biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đối với ngành Y tế Lâm Đồng. Hiện nay, các đơn vị chưa được giao đủ số lượng người làm việc theo định mức tối thiểu, đặc biệt là một số đơn vị được giao tăng giường bệnh, giao thêm nhiệm vụ nhưng không được giao số lượng người làm việc. Trong khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì hàng năm ngành Y tế đều phải cắt giảm biên chế. Việc không được giao đủ số lượng người làm việc dẫn đến khó khăn như: không đủ người bố trí, tuyển dụng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không đủ số lượng người làm việc để bố trí cử viên chức đi đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, chuyên sâu, lý luận chính trị, quản lý nhà nước… Đặc biệt là đào tạo để đạt chuẩn từ trình độ Trung cấp lên Cao đẳng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp của Bộ Y tế. Do đó, việc thiếu người làm việc đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn và mất cân bằng tỷ lệ cơ cấu bộ phận, chuyên môn (bác sĩ/chức danh chuyên môn điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên; dược sĩ đại học/bác sĩ…). Hiện tại Lâm Đồng có chỉ số bác sĩ /10.000 dân là 8,2; dược sĩ đại học /10.000 dân là 1,26, đều thấp hơn so với toàn quốc.
 
Theo Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 03/11/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu lĩnh vực y tế đến năm 2025: Đạt từ 24 -25 giường bệnh trên 10.000 dân (trong khi toàn quốc năm 2021 đã đạt 29 giường bệnh/10.000 dân); đạt 8,5 -9 bác sĩ trên 10.000 dân (toàn quốc năm 2021 đã đạt 10,4 bác sĩ/10.000 dân).
 
Để đạt chỉ tiêu 25 giường bệnh /10.000 dân, đến năm 2025 toàn tỉnh cần thêm 810 giường bệnh. Trong đó, các bệnh viện công lập tăng 355 giường bệnh của các dự án đã được đầu tư, chuẩn bị đầu tư. 
 
Cũng như để đạt chỉ tiêu bác sĩ trên vạn dân đến năm 2025, cần thêm 164 bác sĩ; trong đó, có 82 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng sẽ tốt nghiệp trong các năm 2022-2025. 
 
Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại về nhân lực ngành Y tế tỉnh hiện nay như: Khối lượng công việc quá lớn; hệ thống văn bản quá nhiều, thay đổi nhanh và chồng chéo, hành lang pháp lý chưa đủ để bảo vệ nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ; dịch bệnh ngày càng phức tạp, kéo dài làm cán bộ y tế kiệt sức; chế độ đãi ngộ thấp, thời gian đào tạo dài, công việc đặc thù nhưng mức lương không tương xứng, đời sống vật chất của một số cán bộ viên chức còn gặp nhiều khó khăn nên vẫn chưa an tâm công tác, đã có nhân viên y tế xin nghỉ việc nên rất đáng báo động. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 42 nhân viên y tế nghỉ việc (9 bác sĩ, 3 điều dưỡng đại học; 16 điều dưỡng, hộ sinh; 3 y sĩ, 1 dược sĩ và 10 người khác). Thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thiếu bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến huyện và tại các trạm y tế cơ sở các bác sĩ chưa có chứng chỉ siêu âm, điện tim, xét nghiệm... để thực hiện cận lâm sàng tại trạm nên hiệu quả khám, chữa bệnh chưa cao. Trong khi dân số của tỉnh ngày càng tăng, nhu cầu khám, chữa bệnh tăng; việc phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu đòi hỏi phải cử người đi đào tạo và bố trí đủ nhân lực để thực hiện các kỹ thuật này; mặt khác, công tác khám bệnh, chữa bệnh đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
 
•  NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
 
Ngày 27/01/2022 Sở Y tế đã có công văn đề nghị Sở Tài chính thẩm định phương án phân loại đơn vị sự nghiệp công lập năm đầu thời kỳ ổn định giai đoạn 2022-2025. Đến ngày 17/6/2022, các đơn vị trong ngành Y tế chưa được cấp thẩm quyền phân loại đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021. Theo Sở Y tế, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập năm đầu thời kỳ ổn định giai đoạn 2022 - 2025 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế, cụ thể như sau: 1 đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2) là Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; 20 đơn vị sự nghiêp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3). 
 
Trong đó, có 4 đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên gồm: Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng. Có 12 đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Bệnh viện Phục hồi chức năng, Hội đồng Giám định y khoa (thuộc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng); các Trung tâm Y tế Đà Lạt, Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Có 4 đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Lạc Dương, Trung tâm Y tế Đam Rông và Trung tâm Pháp y. 2 đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4): Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm và Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng Đà Lạt.
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, trong thời gian tới, Sở Y tế Lâm Đồng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Qua đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của các cấp ủy, đơn vị, đảng viên, công chức, viên chức về vị trí, vai trò quan trọng việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn đầu mối các khoa, phòng theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của UBND tỉnh về quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Thực hiện việc đổi mới công tác đánh giá công chức, viên chức bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, công khai, khắc phục tình trạng bình quân, nể nang. Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức để làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản biên chế một cách khoa học, chính xác. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Y tế có trình độ chuyên môn và y đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
 
AN NHIÊN