Người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng

06:08, 23/08/2022
Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, sự giúp đỡ của cộng đồng và thông qua “cầu nối” là các cấp Hội Người khuyết tật (NKT), nhiều NKT trên địa bàn tỉnh đã vươn lên, khẳng định bản thân và có nhiều đóng góp cho xã hội.
 
Ông Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Ông Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
 
Với 1.800 hội viên, trong nhiệm kỳ qua, Hội NKT tỉnh luôn xác định công tác trợ giúp NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm giúp NKT và gia đình NKT vượt qua nghịch cảnh, sớm hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, Hội đã làm cầu nối vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm xây mới 8 nhà tình thương; sửa chữa 18 nhà cũ dột nát; vận động trao 1.190 chiếc xe lăn, xe lắc, tặng 63 chiếc xe đạp cho các cháu khuyết tật và con của người khuyết tật, tặng 90 cặp nạng cho NKT, tặng 600 suất học bổng cho các cháu khuyết tật và con NKT nghèo, học giỏi, hỗ trợ 50.000 phần quà cho NKT có hoàn cảnh khó khăn... Để tạo việc làm cho NKT, Hội đã vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 15 chiếc máy may, máy vắt sổ, 21 chiếc máy đan len, với tổng trị giá 105 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thông qua các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; chương trình tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho NKT... Nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt triển khai dạy nghề cho NKT với các nghề phù hợp như: May, đan len, thêu, móc, thủ công mỹ nghệ, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện thoại, nghề cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi... Đã xuất hiện nhiều tấm gương NKT nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không những tự nuôi sống được bản thân, mà còn giúp được nhiều người cùng hoàn cảnh có thu nhập ổn định, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Điển hình như chị Nguyễn Thị Phương Ý, sinh năm 1978, bị liệt 2 chân, phải mang giày nẹp đã mở được 1 cửa hàng bán đồ gia dụng tại chợ Đà Lạt; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 10 người, với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng. Hay đó là tấm gương của chị Nguyễn Ni, sinh năm 1979, bị dị dạng lồng ngực, gù lưng, đã mở được tiệm may, vừa nuôi sống được bản thân, vừa dạy nghề cho NKT và những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống...
 
Song song với đó, Hội cũng chú trọng phát triển các câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khuyết tật, CLB Thanh niên khuyết tật, Trung tâm dạy nghề cho NKT, CLB văn nghệ... Mặt khác, Hội cũng luôn xác định, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu cho NKT trong tỉnh, là phương tiện để tập hợp quần chúng, trong đó, có NKT. Chính vì vậy, 5 năm qua, BCH Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động như: Phối hợp với ca sỹ Thụy Uyên (TP Hồ Chí Minh) tổ chức Cuộc thi “Giai điệu trái tim” tiếng hát NKT lần thứ I vào năm 2019 thành công tốt đẹp; tham gia Hội thi Liên hoan hát dân ca nhạc cổ truyền do Nhà văn hóa Lao động tỉnh tổ chức vào các năm 2019, 2020 và đều đạt giải cao; dự thi tiếng hát NKT toàn quốc lần thứ I, lần thứ II đều đạt nhiều huy chương vàng, bạc... Đáng chú ý, Hội đã tổ chức được đêm văn nghệ gây quỹ ủng hộ Trường Sa, ủng hộ đồng bào bị lụt bão tại miền Trung, Quỹ Vì người nghèo. Đặc biệt, tổ chức biểu diễn văn nghệ “Chung một tấm lòng” gây quỹ giúp đỡ cho 83 hội viên trong Hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ốm đau, bệnh nặng, thiếu tiền chữa trị, với số tiền gần 2 tỷ đồng... Có thể nói, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái, những năm qua, các cấp Hội NKT trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực thực hiện ngày càng hiệu quả nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, để NKT thực sự được hòa nhập với cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
 
NHẬT MINH