Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục - Đào tạo xác định chủ đề là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm.
|
Học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường năm học 2022-2023 |
•
12 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nêu 12 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phần quyền trong quản lý; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GDĐT; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm, ngành GDĐT đã hướng dẫn cho từng chương trình mầm non, tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên. Theo đó, giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”. Ngày 24/8, Sở GDĐT Lâm Đồng hội nghị bàn nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học mới có 8 nhiệm vụ cụ thể. Một số chỉ tiêu như: Phấn đấu đạt tỷ lệ huy động trẻ bình quân toàn tỉnh là 30-32% trẻ đi nhà trẻ và 90-92% trẻ đi mẫu giáo; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030... Với tiểu học, năm học 2022-2023 ngoài áp dụng sách giáo khoa (SGK) Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 lớp 3 Bộ GDĐT chỉ đạo chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 trong năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 4 được bồi dưỡng theo quy định. Phấn đấu bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày...
Đối với trung học, năm học 2022-2023 tiếp tục áp dụng SGK GDPT 2018 lớp 7, lớp 10 là một trong những nhiệm vụ được ngành GDĐT quan tâm. Tại hội nghị giáo dục trung học Lâm Đồng (18/8/2022), một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải nêu lên là triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Được biết, tháng 4/2022, Bộ GDĐT đã hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh
•
THỰC HIỆN HIỆU QUẢ KẾ HOẠCH NĂM HỌC CỦA TỈNH
Ngày 17/8/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tựu trường ngày 29/8/2022, riêng lớp 1 tựu trường trước 1 tuần để làm quen với trường học. Ngày khai giảng 5/9 2022; học kỳ I kết thúc trước 15/1/2023; học kỳ II hoàn thành trước 25/5/2023. Năm học sẽ kết thúc trước 31/5/2023. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước 10/6/2023; hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học phổ thông trước 31/7/2023...
Để thực hiện, ngoài tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định khung kế hoạch thời gian năm học nêu trên, Sở GDĐT đã thành lập các tổ kiểm tra, tư vấn công tác sửa chữa, chỉnh trang cơ sở vật chất, trường, lớp học; bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực hiện GDPT 2018; triển khai biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3, 7 và 10; phối hợp các nhà xuất bản tập huấn dạy học theo SGK cho giáo viên và cung cấp SGK. Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chính trị hè, kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4...
Về cơ sở vật chất, ông Nguyễn Vĩnh Hiến, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GDĐT) cho biết: Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018. Từ năm 2019 ngành GDĐT đã triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, được UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với mục tiêu là đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo lộ trình. Riêng năm 2022, ngành GDĐT được UBND tỉnh phân bổ 607,4 tỷ đồng vốn đầu tư công; thanh toán khối lượng 27 dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2022 và 24 dự án hoàn thành sau năm 2022; đã khởi công mới 2 dự án. Cùng với đó, sử dụng gần 35,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp giáo dục để sửa chữa cơ sở vật chất 19 trường học trực thuộc Sở. Ngoài ra còn có vốn ngân sách địa phương sửa chữa cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc cấp huyện.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiến cũng cho biết, qua rà soát, thống kê năm học 2022-2023, toàn tỉnh đưa vào sử dụng 236 phòng học, 68 phòng học bộ môn, 15 phòng thư viện, 7 khối văn phòng, 3 bếp ăn bán trú, 32 công trình vệ sinh và các công trình hạ tầng như sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ... Ngành cũng đã triển khai sửa chữa hơn 156 phòng học, 48 phòng học bộ môn; sửa chữa cải tạo nhiều sân thể dục thể thao, hàng rào, nhà xe, nhà vệ sinh, văn phòng... “Đến thời điểm này, các trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng cho năm học mới. Đối với cấp mầm non, cấp tiểu học, cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất như phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa”, ông Nguyễn Vĩnh Hiến cho biết.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin