Tiến sĩ, Ni sư một lòng hoằng pháp

06:08, 25/08/2022
Tôi đang viết những dòng này thì Ni sư (NS) Thích nữ Hạnh Nhẫn đang làm phật sự tại tỉnh Quảng Trị và cho biết ngày 25/8 sẽ phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đi trao 120 phần quà và nhà Tình thương cho bà con nghèo ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông và xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Còn 5 ngày trước, NS mời được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) lên khám bệnh, phát thuốc và cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. 
 
NS Thích nữ Hạnh Nhẫn trao quà cho các hộ nghèo xã Gia Bắc, huyện Di Linh
NS Thích nữ Hạnh Nhẫn trao quà cho các hộ nghèo xã Gia Bắc, huyện Di Linh
 
•  TỪ NỖ LỰC VỚI HỌC VẤN
 
NS Thích nữ Hạnh Nhẫn tục danh là Lê Thị Quý, sinh năm 1971. Từ năm 2012 đến nay trú trì chùa Tâm Ấn (thành phố Đà Lạt) tiếp nối trọng trách gìn giữ Tam bảo của bổn sư - cố Ni sư Minh Diệu. Năm 1989, từ Pleiku đến Đà Lạt, sư quy y xuất gia, tầm sư học đạo. Từ đây, sư tích cực mở mang vốn tri thức bằng nỗ lực tham gia các chương trình đào tạo Phật học. Năm 1997 tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học, sau đó sang Ấn Độ hoàn thành chương trình cao học vào năm 2003 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Phật học năm 2009. 
 
Vài dòng trên để hiểu nội lực theo đuổi với biển học Phật giáo của sư Thích nữ Hạnh Nhẫn thực đáng ngưỡng mộ. Với nền tảng tri thức đó, năm 2017, NS được chọn là thành viên Ban Hoằng pháp và làm Phó Thư ký Phân Ban Ni giới tỉnh Lâm Đồng. Năm 2019 được tấn phong giáo chỉ Ni sư và tháng 3/2021, Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành phố Đà Lạt tín nhiệm NS Thích nữ Hạnh Nhẫn giữ vai trò Trưởng Ban Từ thiện xã hội (TTXH) của Ban Trị sự (BTS) Phật giáo Đà Lạt. 
 
Là con Phật, mong muốn chuyển hóa vốn học thuật và ngoại ngữ của mình góp phần trên con đường hoằng pháp, NS Thích nữ Hạnh Nhẫn miệt mài phiên dịch các kinh sách từ tiếng Phạn, tiếng Tạng, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… sang tiếng Việt. Đó là những tác phẩm như: Nghi thức tụng niệm Kagyu Monlam, 72 vần kệ khích lệ, Lời khuyên từ trái tim của Đức Pháp Vương Gyalwang Karmapa,… NS còn viết bài nghiên cứu về Phật học để tham gia các hội thảo ở Trung ương và địa phương. Những việc làm của NS Thích nữ Hạnh Nhẫn không chỉ mở đạo tâm cho mình mà hơn thế đối với đại chúng để cùng củng cố, gia tăng và phát triển trí tuệ hiểu biết.
 
•  ĐẾN SAN SỚT YÊU THƯƠNG 
 
Với vai trò Trưởng Ban TTXH của Giáo hội Phật giáo Đà Lạt càng tăng trưởng duyên lành để NS Thích nữ Hạnh Nhẫn nỗ lực hoạt động thiện nguyện. Thượng tọa Thích Vạn Trí - Trưởng BTS GHPGVN thành phố Đà Lạt nhấn mạnh: “Công tác từ thiện là một trong những nội dung phật sự luôn được BTS GHPGVN Đà Lạt quan tâm và rất chú trọng. Vì vậy, BTS giao Ban TTXH chủ động tổ chức các hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là quan tâm nhiều đến các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. 
 
Lương duyên của người viết bài này là cùng tham gia BTS GHPGVN thành phố Đà Lạt nên rất nhiều đợt đồng hành với hoạt động thiện nguyện của BTS. Chúng tôi nghe không ít người tham gia bày tỏ cảm xúc: “Theo được với NS Thích nữ Hạnh Nhẫn làm từ thiện… đuối!”. Một trong những điểm sáng về lòng từ bi của NS và đại chúng cùng tham gia là những tháng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chịu đại dịch COVID-19. Mưa lạnh hay nắng, đường xa hay nửa đêm, và không kể dịch hoành hành… NS Thích nữ Hạnh Nhẫn kêu gọi các tăng, ni, Phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay góp tịnh tài, tịnh vật đưa rau, củ quả về các bệnh viện, các bếp ăn từ thiện, những khu cách ly để hỗ trợ đội ngũ y tế tuyến đầu và người dân. Tính đầu năm đến nay, Ban TTXH do NS Thích nữ Hạnh Nhẫn điều hành đã hỗ trợ khoảng 167 tấn rau, củ, quả với tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng. 
 
“Trồng quả ngọt hái quả ngọt” đó là nhân-quả. Sự giúp đỡ tận tâm của NS Thích nữ Hạnh Nhẫn trong thời gian chống dịch sau đó đội ngũ các y, bác sĩ các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh phát tâm giúp đỡ. Hàng trăm bệnh nhân nghèo của Lâm Đồng được mổ mắt, khám tầm soát bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. 
 
Những hộ nghèo, những đối tượng yếu thế còn được trải yêu thương bởi thấm đẫm đức đại từ đại bi từ hoạt động thiện nguyện của BTS/Ban TTXH GHPGVN Đà Lạt. Thượng tọa Thích Vạn Trí nói: “Việc làm của Ban TTXH và BTS đã gây được uy tín và được Phật tử, nhà hảo tâm khắp nơi tin tưởng gửi gắm ủng hộ, cùng chung tay đem lại hạnh phúc cho đại chúng”. Sự đồng hành hoạt động thiện nguyện ấy có nhiều đơn vị tham gia: Công an tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt, Thành đội Đà Lạt, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Đà Lạt, Hội Khuyến học tỉnh, bệnh viện, chính quyền cấp huyện, cấp xã… Địa chỉ đoàn thiện nguyện đến là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều huyện: Đam Rông, Cát Tiên, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà,… hay thành phố Đà Lạt; là các trường học (Khiếm thính Lâm Đồng, Thiểu năng Hoa Phong Lan); là Hội Người mù, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng... Những món quà trao tận tay các hoàn cảnh khó khăn là lương thực, thực phẩm; là thuốc bổ, tiền mặt; là dụng cụ học tập, máy tính, vở viết, xe đạp cho học sinh,… Và đó nữa, những căn nhà tình thương. 
 
Không thể thống kê chi tiết, đã có trên 3.200 trường hợp học sinh nghèo, gia đình khó khăn được hỗ trợ tổng trị giá đến nay gần 1,9 tỷ đồng và xây mới, sửa lại 6 căn nhà tình thương với 247 triệu đồng cũng đủ ghi nhận, trân quý công đức vô lượng của NS Thích nữ Hạnh Nhẫn trong vai trò chủ trì hoạt động thiện nguyện. Rất nhiều giấy khen, thư khen, bằng tuyên công đức của các tổ chức, đơn vị, lãnh đạo đã trao cho BTS và Ban TTXH GHPGVN Đà Lạt. Còn NS Thích nữ Hạnh Nhẫn chia sẻ: “Với cương vị là Trưởng ban TTXH, riêng bản thân tôi rất vui khi được phục vụ cho chúng sanh. Tâm nguyện của sư là được góp một phần nhỏ bé làm cho Phật pháp mãi mãi luân chuyển khắp thế gian để lợi lạc quần sanh. Đức Phật đã dạy phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật, để đem thông điệp từ bi của Đức Phật chan trãi, chia sẻ sự yêu thương”. Vâng, tấm gương NS Thích nữ Hạnh Nhẫn một lòng phấn đấu không ngừng, trau dồi đức hạnh, dấn thân phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
 
MINH ĐẠO