Chúng tôi nói về tín dụng chính sách...

06:08, 22/08/2022
Là tổ chức tín dụng nhà nước trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, nhưng hoạt động của NHCSXH không vì mục tiêu lợi nhuận. Thực hiện các nghiệp vụ tín dụng hiệu quả thông qua công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo bền vững, là công cụ quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lâm Đồng, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
 
•  Ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh:
 
Hội Cựu chiến binh tỉnh là một trong bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ. Trong 20 năm qua, Hội đã phát huy trách nhiệm, chỉ đạo Hội các cấp phối hợp thực hiện tốt các nội dung công việc được ủy thác: từ thành lập Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), bình xét cho vay, giám sát, kiểm tra sử dụng vốn vay một cách dân chủ, công khai nên nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, Hội đang quản lý dư nợ hơn 715,3 tỷ đồng của 16 chương trình tín dụng chính sách, với 15.428 khách hàng vay vốn. 
 
Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, thông qua vay vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm 625 hộ nghèo, 249 hộ cận nghèo của Hội; đời sống tinh thần, vật chất của hội viên được nâng lên, nhiều hội viên từ nghèo đã vươn lên khá, cá biệt có đồng chí làm giàu bằng chính nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
 
•  Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:
 
Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 167 nghìn hội viên thuộc 43 dân tộc khác nhau, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí mới đạt 63.300 ha (năm 2021), tăng 5,2% so với năm 2020, chiếm 21% diện tích đất canh tác, tạo thu nhập bình quân trên một đơn vị canh tác nông nghiệp là 192 triệu đồng/ha... Để đạt được những kết quả trên, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh Lâm Đồng mà Hội Nông dân nhận ủy thác đóng vai trò rất quan trọng. Đến 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân là hơn 1.387 tỷ đồng, với 16 chương trình tín dụng chính sách cho 29.856 hộ vay (mức vay bình quân của 1 hộ đạt 46,46 triệu đồng). 
 
Vốn tín dụng ưu đãi trong 20 năm qua, đã trở thành một trong những công cụ quan trọng, đòn bẩy kinh tế của Nhà nước giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo; góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó có mục tiêu nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh - hiện đại...
 
•  Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
 
Các cấp Hội Phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để cán bộ, hội viên nói chung, các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng nói riêng hiểu đúng và đầy đủ chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Hội phối hợp với NHCSXH tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp, Ban Quản lý Tổ TK&VV; tham gia Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi cấp xã, phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn, người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú và hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro. 
 
Hàng năm, tỷ lệ Tổ TK&VV do Hội Phụ nữ quản lý xếp loại tốt, khá đạt từ 98% trở lên. Đến nay, tổng dư nợ Hội Phụ nữ nhận ủy thác quản lý đạt 1.660 tỷ đồng, với trên 35 nghìn khách hàng, đã có hơn 194 nghìn lượt chị em phụ nữ nghèo được vay vốn, giải quyết việc làm cho hơn 15 nghìn lao động, tạo điều kiện cho chị em ổn định đời sống, tăng thêm thu nhập; góp phần xóa bỏ tệ nạn cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nông nghiệp; đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương...
 
•  Bà Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn:
 
Với vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên, trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện giúp thanh niên nghèo, các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với tín dụng chính sách, giải quyết những khó khăn về vốn trong phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Sau gần 20 năm thực hiện Chương trình liên tịch với NHCSXH, đã có 14.456 lượt hộ thanh niên nghèo và các đối tượng chính sách được vay các chương trình tín dụng ưu đãi, với dư nợ quản lý đạt hơn 696,5 tỷ đồng, tăng 151 lần so với năm 2004; tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,05% trên tổng dư nợ. 
 
Hàng nghìn hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và nhiều đoàn viên, thanh niên theo đuổi ước mơ học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, với sáng kiến “Ngày gửi tiền tiết kiệm vì người nghèo” được triển khai từ năm 2021, NHCSXH cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội đã thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân gửi tiết kiệm nhằm huy động nguồn lực tập trung đầu tư tín dụng chính sách cho người nghèo và những đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh...
 
TIỂU VÂN (ghi)