Đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác

06:08, 22/08/2022
Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương thực hiện các giải pháp tín dụng chính sách tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững; trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn đã và đang được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực thi suốt 20 năm nay.
 
Thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị luôn sát cánh trong các sự kiện của NHCSXH
Thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị luôn sát cánh trong các sự kiện của NHCSXH
 
Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành Ngân hàng nói riêng. Và Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng được thành lập theo Quyết định số 60/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, với nhiệm vụ là thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
 
•  KHÔNG NGỪNG HOÀN THIỆN MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
 
Ra đời đúng vào thời kỳ nền kinh tế vừa mới “lột xác”, đánh dấu bước phát triển quan trọng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với tổng nguồn vốn và dư nợ trên 97,5 tỷ đồng; trong đó nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 21,6% trên tổng dư nợ… Trải qua từng giai đoạn nỗ lực phát triển, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp gồm 279 thành viên là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện; bộ máy điều hành tác nghiệp là 162 viên chức, lao động tại Hội sở tỉnh và 11 Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, thành phố, luôn tâm huyết, trách nhiệm đồng hành với đối tượng thụ hưởng, không quản ngại khó khăn, luôn “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. 
 
NHCSXH thực hiện phương thức quản lý có sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương, để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Đến 30/6/2022, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tham gia quản lý hơn 4.500 tỷ đồng, chiếm 99,5% trên tổng dư nợ của Chi nhánh. 
 
Với cách thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, đến nay, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý gần 2.500 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại tất cả các thôn, tổ dân phố trong tỉnh; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 142 Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn. Các Tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác và đã thực hiện trên 98% khối lượng giá trị giao dịch ngay tại xã.
 
Với những thành quả đạt được trong 20 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020; được Chính phủ và UBND tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen khác...
 
•  LỚN MẠNH CÙNG VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LÂM ĐỒNG
 
Từ 3 chương trình cho vay đơn lẻ khi mới đi vào hoạt động, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện 16 chương trình tín dụng mang tính trợ giúp theo từng giai đoạn khác nhau nhằm hỗ trợ nhu cầu phát triển kinh tế cho người nghèo, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà là thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011-2020), thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH, sự ra đời của 2 chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã giúp các hộ gia đình bù lấp phần nào khoảng trống tín dụng, góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu giảm nghèo, được coi là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững...
 
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tín dụng mới được tạo dựng phù hợp với thực tế, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, như các chương trình: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, NHCSXH lại tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và người dân với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch. 
 
•  PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ BỔ SUNG NGUỒN LỰC CHO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
 
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm gần 310 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương qua NHCSXH đến nay đạt hơn 362 tỷ đồng... Chỉ thị số 40-CT/TW là minh chứng việc cấp ủy đảng, chính quyền các cấp địa phương tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách góp phần làm chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm còn 0,07% trên tổng dư nợ; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn
 
Tín dụng chính sách xã hội cùng với các chính sách khác cũng góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 22,72% xuống còn 6,31% vào cuối năm 2010, giai đoạn 2011-2015 từ 12,6% năm 2010 xuống còn 1,75% cuối năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 từ 6,67% xuống còn 0,9% cuối năm 2021; góp phần giúp 107 xã và 7 huyện được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới... Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cũng duy trì việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội: xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID -19; Chương trình “Cặp lá yêu thương”... với số tiền đóng góp lên đến 6 tỷ đồng.
 
NHẬT QUÂN