Trường Khiếm thính Lâm Đồng tất bật chuẩn bị năm học mới

02:08, 30/08/2022
Việc dạy và học của học sinh khiếm thính cần nhiều sự giao tiếp, hướng dẫn trực quan, nhưng việc học trực tiếp của trường nhiều lần bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, năm học mới này, Trường Khiếm thính Lâm Đồng đang nỗ lực từng ngày để chuẩn bị chu đáo, đảm bảo chất lượng học tập tốt nhất cho các em. 
 
Giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng cẩn thận lau chùi khu vui chơi cho học sinh trước ngày các em quay lại trường
Giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng cẩn thận lau chùi khu vui chơi cho học sinh trước ngày các em quay lại trường
 
Càng sát ngày khai giảng, các thầy, cô ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng lại thêm bận rộn chuẩn bị sách vở, trang thiết bị và dụng cụ học tập cũng như dọn dẹp, vệ sinh trường lớp chào đón năm học mới. Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đa số học sinh của trường đến từ các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nên các em được các thầy, cô giáo chuẩn bị sách, vở và dụng cụ học tập. “Nguồn sách vở của các em được trường vận động quyên góp từ cộng đồng, những người hảo tâm, năm học này, các em đều đã có đủ sách vở” - cô Minh phấn khởi nói. 
 
Năm học trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác dạy và học của trường gặp nhiều khó khăn. Do yếu tố đặc thù, việc giảng dạy trực tuyến ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu của học sinh khiếm thính. Hoàn cảnh phần lớn gia đình phụ huynh còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị cho các em học trực tuyến. Hơn nữa, trình độ, hiểu biết, và kỹ năng ngôn ngữ ký hiệu của phụ huynh chưa cao, nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc tìm hiểu và hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Do đó, theo cô Minh, trong thời điểm dịch bệnh, trường đã linh hoạt dạy học trực tuyến cho học sinh, áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả truyền đạt của thầy cô và khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh. Khi dịch bệnh lắng xuống, học sinh quay trở lại trường, các giáo viên đều tăng thời lượng, bố trí thêm các buổi dạy để bù đắp và củng cố kiến thức cho học sinh. Nhờ đó, mặc dù gặp nhiều xáo trộn trong lịch học và kế hoạch giảng dạy, nhưng khi kết thúc năm học, các kiến thức và kỹ năng về cơ bản đã được học sinh nắm vững và được đánh giá tốt.
 
Bước vào năm học mới 2022-2023, trường có 125 học sinh với 16 lớp; trong đó, có 3 lớp mầm non, 8 lớp tiểu học và 4 lớp trung học.. Ngày 3/9, học sinh tập trung tựu trường để chuẩn bị cho việc học và sinh hoạt nội trú. Lễ khai giảng và buổi học đầu tiên của trường sẽ diễn ra vào ngày 5/9.
 
Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu, tăng cường kỷ cương nền nếp trường học, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu”, các cán bộ, giáo viên, công nhân viên của Trường Khiếm thính Lâm Đồng đều nỗ lực, nhiệt tình, chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất đến kế hoạch giáo dục giúp học sinh tự tin học tập, vui chơi trong năm học mới. “Đến hiện tại, cơ bản các khâu chuẩn bị đã được trường hoàn tất” - cô Minh nói. 
 
Trong đó, các phòng học, trang thiết bị, dụng cụ học tập và sách vở đã được trường chủ động chuẩn bị đầy đủ. Hiện, trường có 17 lớp học văn hóa, khu nội trú cho học sinh, phòng học, lớp học nghề đều được bố trí phù hợp với việc dạy và học cho học sinh khiếm thính. Đặc biệt, để phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, trường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn các phòng học, khu nội trú và khuôn viên trường học.
 
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua, Trường Khiếm thính Lâm Đồng đã chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả các kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Cô Minh cho biết, hiện tại, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đa số đều đạt và vượt chuẩn. Hầu hết giáo viên đều tâm huyết với nghề, có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ khuyết tật. Ngoài ra, để tạo không khí học tập, phấn đấu sôi nổi, trường đã triển khai nhiều hoạt động như sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, thường xuyên cập nhật và cải tiến các phương pháp và công cụ nhằm đánh giá năng lực học sinh. 
 
Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ, song, theo cô Minh, “trường đang xoay xở để có đủ máy trợ thính cho học sinh, do các máy cũ bị hư hỏng sau một thời gian dài sử dụng, trong khi, đa phần phụ huynh không đủ điều kiện mua sắm máy cho con em, trường lại không đủ kinh phí”. Bên cạnh đó, để điều kiện sinh hoạt, học tập của các em được tốt hơn, trường cũng mong muốn mức phụ cấp cho học sinh được tăng lên 80% so với mức 40% như hiện nay. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cô Minh và tập thể cán bộ, nhân viên, giáo viên của nhà trường vẫn luôn nỗ lực và tin tưởng sẽ hoàn thành tốt chất lượng giảng dạy, các em học sinh khiếm thính sẽ được thoải mái học tập, vui chơi trong năm học mới này. 
 
NHẬT QUỲNH