Từ trường, lớp đơn sơ đến trường chuẩn quốc gia

01:08, 18/08/2022
Bức tranh về cơ sở vật chất trường học của Lâm Đồng tính từ sau khi thống nhất đất nước, năm 1975 đến nay điều mà ai cũng vui là mặc dù đặc điểm giáo dục miền núi còn khó khăn nhưng đã thực sự ngày càng khởi sắc. Từ trường, lớp học tạm bằng tranh, tre và nền đất, bàn ghế tạm bợ; từ nhiều cơ sở giáo dục phải học ca 3 vì thiếu phòng; từ đội ngũ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng..., nhưng hôm nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những điểm sáng nổi bật. 
 
Trường Tiểu học Quảng Lập, huyện Đơn Dương là một trong những trường giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 3
Trường Tiểu học Quảng Lập, huyện Đơn Dương là một trong những trường giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2
 
•  77,5% TRƯỜNG ĐÃ VỀ ĐÍCH CHUẨN QUỐC GIA
 
Tỷ lệ trên bao gồm chung toàn ngành Giáo dục, đào tạo của tỉnh Lâm Đồng (cả trường công lập và trường ngoài công lập) tính đến ngày 31/7/2022. Không tính 2 đặc thù là Trường Khiếm thính và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, hiện nay Lâm Đồng đã có 520/671 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, mầm non 160/231 trường, tiểu học 198/224 trường, THCS 122/157 trường và THPT 40/59 trường. Nếu tính riêng các trường công lập, cũng tính đến ngày 31/7/2022, Lâm Đồng đã có 495/607 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 81,55%. Trong đó, mầm non 146/172 trường, tiểu học 194/222 trường, THCS 116/157 trường và THPT 39/56 trường.
 
Quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tỉnh Lâm Đồng có những mặt thuận lợi đó là đảng bộ, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo (GDĐT). Ngành GDĐT đã và đang thực hiện hiệu quả vai trò tham mưu xây dựng hệ thống trường học phù hợp ở các địa bàn để cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân. Cùng đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên toàn ngành ổn định về số lượng, đảm bảo về chất lượng, tích cực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ. Đối với cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, Lâm Đồng đã cơ bản đảm bảo được các yêu cầu thiết yếu cho việc dạy và học, góp phần quan trọng ngày càng nâng lên về chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo. Đó còn là công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động được sự đóng góp và hỗ trợ của Nhân dân và xã hội vào sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn tỉnh, từ vùng có điều kiện thuận lợi đến những vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Cũng phải khẳng định tính ưu việt của chế độ đã góp phần không nhỏ trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đó là các chính sách xã hội như xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ giáo dục đối với vùng dân tộc góp phần giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện đến trường. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đồng thời gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới có tương hỗ tích cực đối với các địa phương.   
 
•  TÍNH BỀN VỮNG VÀ QUỸ ĐẤT LÀ BÀI TOÁN KHÓ
 
Tuy nhiên, những khó khăn bộc lộ trong thực tế là công tác tham mưu với chính quyền địa phương, công tác phối hợp với các tổ chức, đoàn thể còn hạn chế nên chưa huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Một số trường, nhất là trường vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng giáo dục còn có khoảng cách khá lớn so với tiêu chuẩn cần đạt được của trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, một số trường tuy được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng còn thiếu tính bền vững vì cơ sở vật chất còn thiếu so với quy định, chất lượng giáo dục chuyển biến chưa rõ nét. Thực tế cũng đang cho thấy, tại các vùng thuận lợi một số trường có quy mô học sinh tăng nhanh, vượt sĩ số học sinh theo quy định hoặc rất khó mở rộng quỹ đất nên không đủ điều kiện công nhận mới và công nhận lại trường chuẩn quốc gia. 
 
Lâm Đồng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 527/699 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 78,8%. 
 
Để đạt được thành tựu nêu trên, trước hết là tăng cường vai trò tham mưu của ngành Giáo dục với cấp ủy đảng, chính quyền; cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Cũng là giải pháp chủ yếu đối với ngành Giáo dục, đó là công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là sự đầu tư về cơ sở vật chất mà còn là sự tích cực đồng hành về chất lượng giáo dục, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang tiếp tục triển khai theo lộ trình. Mặt khác, ngành Giáo dục cùng các ngành liên quan đã tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng cũng góp phần vào quá trình đạt các tiêu chí, giữ vững các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia. Và cuối cùng là giải pháp về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Để đạt nhiệm vụ và giải pháp này cần đến sự đồng bộ và tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành và xã hội thì mới tạo nên được sức mạnh tổng hợp.
 
MINH ĐẠO