Ươm những mầm non thêm xanh

04:08, 15/08/2022
“Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi, quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường, tự lập” - ghi nhớ lời dạy của Bác - từ khi chỉ là một trường điểm lẻ, Trường Mầm non Họa Mi luôn dành tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc chu đáo cho những “mầm non Cil, K’Ho” nơi vùng xa Tu Tra (Đơn Dương). Từ sự tận tâm, tận tình đó mà nhiều trẻ vùng DTTS được đến lớp học tập, vui chơi, tự tin phát triển toàn diện. 
 
Các em được sống trong môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, bổ ích.
Các em được sống trong môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, bổ ích.
 
Trường Mầm non Họa Mi trước đây vốn là một phần của Trường Mầm non Tu Tra, được tách ra và chính thức thành lập vào giữa năm 2008. Theo đó, Trường tập trung thu hút trẻ từ ba thôn đồng bào DTTS (Đa Hoa, Kamputte, Bockabang) và thôn Cầu Sắt. Theo cô Nguyễn Thị Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, với ba địa điểm, nằm rải rác ở các thôn, đường sá đi lại khó khăn, giao thông còn hạn chế, bà con người dân tộc K’Ho và Cil chủ yếu làm ruộng, nương rẫy, nên công tác huy động trẻ đến trường gặp không ít khó khăn, công tác vận động trẻ bán trú lại càng khó khăn hơn.
 
Không để trẻ thiệt thòi, chậm trễ việc học, Ban Giám hiệu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thuyết phục phụ huynh, thu hút trẻ đến lớp. Cô Lợi cho biết: “Trường vận động phụ huynh mang cơm cho con em ăn, học và ngủ lại ở trường, vừa tập trung tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh trong các giờ đưa đón”. Nhờ đó, phụ huynh ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc đưa con em tới lớp, vừa yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, để sức thu hút mạnh mẽ và bền vững hơn, trường đã phối hợp với các già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, truyền tải giá trị giáo dục mầm non đến từng thôn, từng hộ gia đình. Song, lúc này một vấn đề mới lại xuất hiện, do điều kiện kinh tế của các gia đình trên địa bàn còn nhiều khó khăn, cuối năm học 2009-2010, vẫn còn hơn 10 triệu đồng tiền ăn của trẻ chưa được phụ huynh thanh toán cho trường. Để giải quyết vấn đề này, cô Lợi đã chủ động tiếp cận các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở địa phương nhờ hỗ trợ. Thấu hiểu khó khăn của nhà trường và những thiệt thòi của các em vùng đồng bào DTTS, công ty TNHH Apollo đã trực tiếp đến khảo sát và hỗ trợ trường chi trả chi phí cho nhà cung cấp thực phẩm. Rút kinh nghiệm từ việc này, cô Lợi cho biết, trước khi mỗi năm học mới bắt đầu, trường tổ chức họp trao đổi với phụ huynh về chi phí tiền ăn và thời hạn đóng góp. Mặc khác, thông qua các dịp gặp mặt, nhà trường tranh thủ tuyên truyền về công tác chăm sóc, chế độ dinh dưỡng đến phụ huynh học sinh. 
 
Trường xác định để hoạt động giáo dục bền vững, lâu dài, thì chất lượng giáo dục phải đóng vai trò nền tảng. Ngay từ thời điểm thành lập cho đến ngày nay, trường luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cả về chuyên môn, tâm lý trẻ, tổ chức lớp học lẫn phương pháp sư phạm, truyền đạt. Theo cô Lợi, phương châm giáo dục mầm non của tập thể giáo viên Trường Họa Mi là lấy học sinh làm trung tâm. Các giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp, phù hợp với từng giờ dạy, đối tượng trẻ khác nhau; thường xuyên quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi lành mạnh. Bên cạnh đó, giáo viên cần có tấm lòng bao dung, yêu thương con trẻ, kiên nhẫn để các em có thời gian, khoảng trống phát triển; chú trọng xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt ấm áp, vui tươi. 
 
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, ngoài trực tiếp quan tâm, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, mồ côi cha mẹ, Trường Mầm non Họa Mi còn kêu gọi, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay dìu dắt, chăm lo cho các em. “Chỉ mong các cháu bớt thiệt thòi, thoải mái vui chơi, học tập cùng bè bạn”, cô Lợi chia sẻ. Từ sự tận tình, chu đáo, chăm lo cho con trẻ, Trường Mầm non Họa Mi ngày càng được phụ huynh quý mến, tin tưởng. Nhờ đó, số trẻ đến lớp tăng đều hàng năm, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, đặc biệt không còn trẻ suy dinh dưỡng. 
 
Với quá trình phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ suốt hơn 14 năm, từ một trường điểm lẻ, nay Trường Mầm non Họa Mi không chỉ được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 mà còn trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục huyện Đơn Dương. Kết thúc năm học 2020-2021, trường được UBND huyện công nhận là một trong những đơn vị dẫn đầu Khối thi đua, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... cùng nhiều thành tích, danh hiệu cao quý khác. 
 
Chia sẻ về những thành quả này, cô Nguyễn Thị Lợi cho biết: “Bản thân tôi rất tự hào về sự tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu thương con trẻ của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường Mầm non Họa Mi. Và biết ơn hơn nữa, để có được những thành quả này còn có sự quan tâm của chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo... và sự cảm thông hợp tác của các bậc phụ huynh đã cùng chung tay chăm lo cho những mầm non tương lai”. 
 
NHẬT QUỲNH