Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với huyện Đam Rông về vấn đề hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

06:08, 26/08/2022
(LĐ online) - Ngày 26/8, đoàn công tác của  Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dẫn đầu đã làm việc với huyện Đam Rông về vấn đề hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.
 
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kết luận tại buổi làm việc
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kết luận tại buổi làm việc
 
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn và Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tham gia đoàn công tác.
 
Theo đó, đoàn đã khảo sát trực tiếp tại 4 xã: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông và xã Liêng Sronh. Đây là 4 xã khó khăn nhất với tỷ lệ hộ nghèo cao ở huyện Đam Rông. Tại các xã này, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trực tiếp khảo sát các mô hình trồng dâu, nuôi tằm và các mô hình kinh doanh, buôn bán của bà con trên địa bàn. Đồng thời trực tiếp nghe lãnh đạo các xã và phòng, ban chuyên môn của huyện Đam Rông báo cáo về công tác giảm nghèo của địa phương trong thời gian qua.
 
Đam Rông hiện có trên 59 ngàn dân, có14.431 hộ. Trong đó có 8.305 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 20250 là 2.130 hộ, chiếm tỷ lệ 14,8%. Trong đó hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số là 1.992 hộ, chiếm 23,99%. Huyện Đam Rông hiện có 2.842 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 19,69%. Qua khảo sát có 875 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo vào cuối năm 2022.
 
Huyện Đam Rông xác định lộ trình, nỗ lực giảm 331 hộ nghèo trong năm 2022, giảm 333 hộ trong năm 2023, giảm 284 hộ trong năm 2024 và giảm 266 hộ trong năm 2025.
 
Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã tiếp tục làm việc với lãnh đạo huyện, lãnh đạo 4 xã nói trên và trưởng các phòng ban chuyên môn của huyện Đam Rông.
 
Trên cơ sở kết quả khảo sát, huyện Đam Rông đề xuất hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho 468 hộ và hỗ trợ vật nuôi cho 438 hộ. Tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ là 16 tỷ đồng. Dịp này các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những mô hình phát triển kinh tế phù hợp để tập trung hỗ trợ cho người nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông trong thời gian tới.
 
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Ngọc Hiệp đã đánh giá cao những nỗ lực của huyện Đam Rông trong việc giảm nghèo. Đồng thời khẳng định Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ hỗ trợ huyện để phát triển các mô hình sinh kế với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ qua huyện là 3 tỷ đồng và hỗ trợ qua Đoàn thanh niên tỉnh 2,7 tỷ đồng). Thống nhất hỗ trợ đối với các hộ đã đăng ký thoát nghèo để khơi dậy khát vọng vươn lên  của bà con, hộ có đủ điều kiện về đất và nhân lực. Mức hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng. Khuyến khích bà con các mô hình sinh kế như: trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi; cải tạo cây cà phê, trồng cây ăn trái xen cà phê… Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đặc biêt ưu tiên hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hỗ trợ sinh kế là tạo động lực để bà con chủ động vươn lên thoát nghèo. Huyện Đam Rông có trách nhiệm phải tiến hành khảo sát kỹ để xác định được điều kiện từng hộ nghèo để có từng phương án hỗ trợ cụ thể, cũng như lồng ghép các chương trình giảm nghèo bền vững khác để chương trình hỗ trợ sinh kế đạt hiệu quả cao nhất.
 
NGỌC NGÀ