10 năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng đã chủ động thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
|
Giáo viên trao đổi về nhiệm vụ coi thi với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ban hành ngày 20/6/2012. Luật có 5 chương với 41 điều quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thực hiện Luật PBGDPL trong 10 năm qua của ngành GDĐT Lâm Đồng căn cứ hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND tỉnh và Sở Tư pháp. Theo đó, Sở GDĐT xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PBGDPL trong đó tổ chức PBGDPL các luật và văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Cùng với đó là hướng dẫn, chỉ đạo những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm; hướng dẫn nghiệp vụ, công tác kiểm tra, giám sát; công tác thi đua, khen thưởng; việc thực hiện trách nhiệm của Sở GDĐT theo quy định.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở GDĐT còn yêu cầu căn cứ nhiệm vụ trọng tâm theo hướng dẫn của Hội đồng PBGDPL tỉnh để ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện tuyên truyền các vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm đến đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tổ chức công tác thi, thay sách, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; kịp thời giải thích đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục xã hội quan tâm… Không dừng lại chỉ phổ biến, tuyên truyền về pháp luật mà còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; công tác thi đua, khen thưởng; việc thực hiện trách nhiệm của Sở GDĐT. Hoạt động này càng quan trọng khi thực hiện thường xuyên và kịp thời ở các cơ sở giáo dục thông qua các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành để chấn chỉnh, kiến nghị và chỉ đạo…
Kết quả 10 năm thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngành GDĐT phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và đơn vị chuyên môn các cấp tổ chức phổ biến nhiều hoạt động đa dạng, hình thức phong phú cho đối tượng là cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành và đối tượng là học sinh. Nội dung về pháp luật vốn khô khan, nhiều khái niệm khá trừu tượng do đó để phổ biến, tuyên truyền có chất lượng ngoài yêu cầu đầy đủ, chính xác, kịp thời về hàm lượng thông tin còn cần tạo được tính thu hút và hấp dẫn đối với người tiếp nhận. Đổi mới nội dung truyền tin, hình thức gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tích hợp lồng ghép nhiều hình thức sinh hoạt sinh động, phong phú… là những giải pháp quan trọng đem lại hiệu quả rất tích cực. Chẳng hạn, đối với học sinh, tổ chức cuộc thi viết với nội dung tìm hiểu kiến thức pháp luật các bộ Luật: An ninh mạng; Phòng, chống ma túy; Giao thông đường bộ; Giáo dục; Hôn nhân và gia đình và Luật Trẻ em. Theo đó là xây dựng các mô hình sinh động cho chính học sinh trực tiếp thể hiện tại các trường học... Với những giải pháp, phương pháp nêu trên, trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPT trong ngành GDĐT Lâm Đồng đã thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia.
Cùng với đó là xây dựng tủ sách pháp luật đạt tỷ lệ 100% các đơn vị trường học. Từ năm 2018 đến nay, Sở GDĐT đã tổ chức 6 lớp tập huấn về công tác giáo dục, phổ biến giáo dục pháp luật cho 600 giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong toàn tỉnh nhằm cập nhật những kiến thức mới về pháp luật và nâng cao kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. 100% các trường đều có lực lượng tuyên truyền viên pháp luật là giáo viên Giáo dục công dân hoặc cán bộ quản lý. Hiện toàn ngành Giáo dục có 16 báo cáo viên cấp huyện (có 1 người là dân tộc thiểu số) và 766 tuyên truyền viên pháp luật (có 38 người là đồng bào dân tộc thiểu số). Đây là lực lượng nòng cốt được phủ đến tận các cơ sở giáo dục, ngoài nắm vững kiến thức còn sát với thực tế nên công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho các đối tượng trong nhà trường có hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi khẳng định: “Nhìn chung qua gần 10 năm thực hiện Đề án đã mang lại những đổi mới tích cực trong công tác PBGDPL tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhận thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ngày càng được nâng cao, xu hướng giải quyết các vấn đề dựa trên các quy định của pháp luật góp phần hạn chế các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng có xu hướng giảm theo từng năm. Thời gian tới, ngành GDĐT sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật mới ban hành hoặc có hiệu lực; các chính sách, quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh”.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin