Bảo vệ trẻ trước những bệnh truyền nhiễm khi đến trường

06:09, 05/09/2022
Khi học sinh bắt đầu bước vào năm học mới cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch đe dọa sức khỏe của trẻ; đặc biệt trước bối cảnh dịch COVID-19 đang có nguy cơ gia tăng trở lại.
 
Các trường tăng cường biện pháp phòng bệnh khi trẻ đến trường.
Các trường tăng cường biện pháp phòng bệnh khi trẻ đến trường
 
Những bệnh truyền nhiễm "tấn công" trẻ trong trường học 
 
Theo ThS.BS Trần Thị Mai Trinh, khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, tiểu học rất nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, khi trẻ đi học trở lại thường phải học tập, sinh hoạt ở môi trường đông đúc; cùng với đó, các lớp học thường sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn. Vì vậy, một khi trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo thành các ổ dịch nhỏ.
 
Theo các bác sĩ, trẻ đến trường thường dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm như COVID-19, cúm, viêm não, viêm phổi do phế cầu, thủy đậu; các bệnh lý về mắt và bệnh về da cũng dễ lây truyền hơn, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Bên cạnh đó, mùa tựu trường cũng nằm trong mùa mưa nên những bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi và suyễn cũng còn gặp khá nhiều. Ngoài ra, khi học sinh đi học do ít uống nước dẫn đến tình trạng táo bón, hoặc nín tiểu vì phòng vệ sinh không sạch, sợ cô la… dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tiểu.
 
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho rằng, sự gia tăng của COVID-19 trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm não, viêm màng não… là “báo động đỏ” với sức khỏe trẻ em.
 
Theo đó, khi trẻ mắc các bệnh đường hô hấp như cúm, về lâu dài, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp hoặc khởi phát các bệnh tiềm tàng như hen suyễn, thuyên tắc phổi mãn tính – COPD, khiến trẻ phải nghỉ học dài ngày. Nguy hiểm hơn, cúm còn có thể diễn tiến ác tính ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống và tương lai của trẻ.
 
Còn đối với bệnh viêm não, viêm màng não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh, người bệnh có thể tử vong trong vòng 24 giờ. Nếu may mắn, vẫn có khoảng 20% trẻ phải chịu những di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy đa cơ quan, đoạn chi…
 
Tạo “lá chắn” phòng bệnh cho trẻ
 
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính May cho biết, may mắn là hiện các căn bệnh nguy hiểm như cúm, thủy đậu, viêm màng não, sởi… đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vacine phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt là vaccine phòng cúm mùa và viêm màng não do não mô cầu trước khi trẻ quay trở lại trường học.
 
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn thành phố đang ở mức thấp. Cụ thể, mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 cần đạt 95% trên tổng số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy nhiên, đến nay, kết quả tiêm chủng 8 loại vaccine mới đạt 76,6% (thiếu 18,4%).
 
Theo Sở Y tế, nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt mục tiêu là do thiếu nguồn cung ứng vaccine sởi đơn và DPT4 từ tháng 6/2022, sự biến động nhân sự chuyên trách tiêm chủng, phụ huynh quên hoặc chưa quan tâm đến tiêm chủng mở rộng…
 
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh lo ngại, tình trạng trẻ tham gia tiêm chủng mở rộng không đạt mục tiêu sẽ tạo ra những lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng, khiến trẻ đối mặt với với nguy cơ mắc các loại bệnh đã có vaccine. Ngành y tế sẽ đẩy mạnh các giải pháp để đảm bảo thực hiện song song cả chiến dịch tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
 
Sở Y tế kêu gọi các bậc phụ huynh hãy vì sức khoẻ của con em, đừng để các em phải bị gián đoạn việc học tập do mắc COVID-19 vì chưa được tiêm vacicne; đừng nghe những lời đồn đại thiếu cơ sở khoa học mà không đồng thuận cho con em tiêm vaccine phòng COVID-19; đừng bỏ lỡ cơ hội để con em được bảo vệ trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 với hậu quả khó lường trước được.
 
Bên cạnh việc tiêm vaccine đầy đủ, phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên… Ngay cả với người lớn cũng cần giữ vệ sinh, như đi ra ngoài về cần rửa tay, khử khuẩn tay trước khi bế ẵm trẻ nhỏ để tránh mầm bệnh lây lan cho trẻ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.
 
Hiện nay đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết, phụ huynh cần phải lưu ý trong cách phòng ngừa muỗi đốt khi trẻ ngồi học trên lớp, khi sinh hoạt tại nhà bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng xịt đuổi muỗi xuất xứ tự nhiên, an toàn cho trẻ; vệ sinh nhà cửa thông thoáng, diệt lăng quăng, bọ gậy...
 
(Theo baotintuc.vn)