Chuyện về một vị tướng già giản dị, liêm chính

03:09, 29/09/2022
Trước thềm Đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2022 - 2027, phóng viên may mắn được gặp và trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Văn Kha, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng, để nghe ông kể về quá trình tham gia cách mạng, thành lập Hội CCB tỉnh cũng như những câu chuyện đời thường. Qua đó, thế hệ trẻ chúng tôi có dịp học tập, noi gương lý tưởng, tinh thần cách mạng, và tác phong sinh hoạt của vị tướng già giản dị, liêm chính.
 
Ông Kha cùng con gái đi dạo, ở tuổi xưa nay hiếm, vị tướng già sống cuộc đời dung dị
Ông Kha cùng con gái đi dạo, ở tuổi xưa nay hiếm, vị tướng già sống cuộc đời dung dị
 
Thiếu tướng Phạm Văn Kha, Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh khu 6 (cũ), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, sinh năm 1923, quê làng Nhuộm, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định, hiện đang sống tại Phường 2, TP Đà Lạt. Ông là người đã lập công lớn trong Cách mạng Tháng Tám nhờ sự mưu trí và khả năng thuyết phục tài tình, hạ gục hai quan đầu sỏ của tỉnh Nam Định thời đó, giúp lực lượng cách mạng Việt Minh tiếp quản địa phương hòa bình và êm đẹp. 
 
Sau đó, ông được chính quyền cách mạng cử đi học Trường Quân chính Việt Nam khóa VI, tại Sơn Tây và Nam tiến, tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Trong quá trình chiến đấu, ông đã trực tiếp tham gia, tham mưu, lãnh đạo nhiều trận đánh, chiến dịch lớn, góp phần vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Sau giải phóng, ông được điều động về nắm giữ vai trò Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp lãnh đạo quá trình xây dựng, củng cố lực lượng và chỉ đạo các cuộc đấu tranh truy quét, tiêu diệt bọn tàn quân, Fulro ở địa phương.
 
Sau gần non nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, dù đã nghỉ hưu, nhưng với nhiệt huyết cách mạng, tinh thần trách nhiệm với thời cuộc, với đồng đội, ông lại xung trận một lần nữa - nhiệt thành tham gia thành lập Hội CCB tỉnh Lâm Đồng. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông nói “khi được tin đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thành lập Hội CCB Việt Nam, chúng tôi đã vô cùng phấn khởi, chủ động chuẩn bị các công việc để khi có chủ trương chính thức thì việc thành lập Hội CCB tỉnh được thuận lợi”. 
 
Từ đó, ông đã đứng ra tổ chức tọa đàm với các CCB, lão thành cách mạng trên địa bàn để thông tin về tình hình thế giới, trong nước, địa phương cũng như phương hướng chuẩn bị cho việc thành lập Hội CCB tỉnh. Công tác điều tra, khảo sát và vận động cựu binh trên địa bàn được thực hiện gấp rút. Ông cùng với các đồng chí đã tích cực đến các huyện, thành để nắm bắt tình hình và thực hiện công tác chuẩn bị; tổ chức các hội nghị ban chấp hành lâm thời để thảo luận phương hướng, kế hoạch hoạt động và chuẩn bị nhân sự. Nhờ vậy, sau khi Hội CCB tỉnh được chính thức thành lập, Hội đã có hơn 1.000 hội viên của 53 Hội cơ sở thuộc 10 Hội cấp huyện. Ông cũng được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch đầu tiên Hội CCB tỉnh nhà và tiếp tục nắm giữ vị trí này thêm nhiều năm nữa. Trong quá trình lãnh đạo Hội, ông Kha đã giúp Hội không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua và bằng khen của Bộ Công an, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Cá nhân ông cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho những đóng góp không ngừng nghỉ của mình. 
 
Nghỉ công tác tại Hội CCB tỉnh, trở về với cuộc sống đời thường, thế nhưng, bước chân của vị tướng già vẫn không ngơi nghỉ. Ông dành những năm tháng còn lại của đời người để đi tìm mộ liệt sĩ và giúp đỡ đồng đội khó khăn. Hành trình của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” chỉ dừng lại khi ông bước sang tuổi xế chiều và sức khỏe không còn cho phép. Nay, vị Thiếu tướng đã bước sang tuổi 100, kể từ ngày bà mất, dù sức khỏe, trí nhớ không còn được như trước, lúc nhớ khi quên, nhưng tác phong, thói quen sinh hoạt của vị tướng già vẫn không thay đổi. Mỗi ngày ông vẫn thường xuyên vận động, đi lại mà không cần dùng đến gậy, tấm chăn được ông xếp vuông vức sau mỗi giấc ngủ, tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái. Chế độ ăn uống, sinh hoạt của vị tướng già cũng đơn sơ, giản dị nhưng điều độ, lành mạnh. Đều là những điều mà ở tuổi xưa nay hiếm ít có thể giữ được. 
 
Nhắc về bố, bà Phạm Phương Dung (65 tuổi) kể bằng niềm tự hào, “ông là người làm việc gì cũng tâm huyết, sống cuộc đời liêm khiết, nghiêm minh, trách nhiệm, ý chí bền bỉ, không ngại gian khó và có tấm lòng bao dung, luôn nhiệt thành giúp đỡ mọi người”. Bản tính và phẩm chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” được rèn luyện qua thử thách, gian khổ và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng luôn được Thiếu tướng Kha mãi giữ gìn và phát huy. Chính vì lẽ đó, từ trước đến nay, ông luôn được đồng đội, đồng nghiệp và con cháu kính trọng. Bốn người con của ông, ba người nay đã nghỉ hưu, đều noi gương bố sống cuộc đời khẳng khái, chính trực và trách nhiệm.
 
NHẬT QUỲNH