Đổi mới hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân

06:09, 13/09/2022
Những năm qua, Hội Nông dân thành phố Bảo Lộc đã tập trung đổi mới, nâng cao các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân địa phương. Qua đó, góp phần giúp các nông hộ ngày càng làm ăn khấm khá, nắm vững tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, định hướng nghề nghiệp và phát huy thế mạnh đất đai, lao động.
 
Một buổi hội thảo của nông dân thành phố Bảo Lộc về chăm sóc cây sầu riêng
Một buổi hội thảo của nông dân thành phố Bảo Lộc về chăm sóc cây sầu riêng
 
Bảo Lộc có diện tích đất nông nghiệp 19.778 ha (cà phê 13.195 ha; diện tích chè 2.660 ha; cây dâu tằm 755 ha; cây ăn quả 1.457 ha; cây rau, đậu các loại ước đạt 125,5 ha). Tổng đàn heo ước đạt 32.000 con; tổng đàn trâu, bò ước đạt 2.900 con. Số hộ sản xuất nông nghiệp là 19.016 hộ, chiếm 57,3% số hộ dân trên địa bàn. 
 
Hiện nay, Hội Nông dân thành phố quản lý 77 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 2.698 hộ còn dư nợ, thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Tổng dư nợ đến nay trên 134,7 tỷ đồng; không còn nợ quá hạn. 77/77 tổ TK&VV tham gia huy động tiết kiệm, tổng số dư tiết kiệm trên 12,5 đồng. 
 
Bà Nguyễn Thị Huệ (Tổ 16, phường Lộc Phát) là một phụ nữ tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng CSXH được thành phố Bảo Lộc biểu dương. Bà Huệ chia sẻ: “Năm 2009, tôi được bình xét cho vay 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn cho hộ nghèo. Sau một thời gian làm ăn, gia đình tôi bước đầu có kinh tế, trả được vốn. Thoát được nghèo đói, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ cho vay hộ mới thoát nghèo để thực hiện xen canh cà phê với cây ăn quả như: bơ, mít, sầu riêng; chăn nuôi thêm heo gà để cải thiện thu nhập. Cũng nhờ tham gia các lớp dạy nghề về chăm sóc cà phê, kỹ thuật ghép mà 1 ha cà phê của gia đình phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng. Đến nay, nhà cửa đã khang trang, 2 con trai đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định”.  
 
Các cấp Hội Nông dân thành phố tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Phòng LĐTB&XH thành phố mở các lớp dạy nghề cho hội viên, nông dân có nhu cầu. Triển khai kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm của UBND thành phố giai đoạn 2021-2025 . Hội Nông dân thành phố phối hợp tổ chức 12 lớp dạy nghề về sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, thú y, sửa chữa điện công nghiệp dân dụng, tin học ứng dụng, đan len cho 227 hội viên nông dân có nhu cầu, trong đó 98 hội viên có việc làm ổn định. Hỗ trợ cung ứng 345 tấn phân bón trả chậm trị giá trên 2,5 tỷ đồng; 40.000 chồi giống trị giá 80 triệu đồng; 1,7 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trị giá 100 triệu đồng, 50 tấn thức ăn chăn nuôi heo trị giá 700 triệu đồng. Hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Tổ chức 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm cho 264 hội viên, nông dân tham gia. Tổ chức 1 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho 40 hội viên, nông dân tham gia và cùng với Bưu điện thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn về “Chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa năm 2022” cho 170 hội viên, nông dân tham dự. Tổ chức 1 chuyến tham quan mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương và Đơn Dương cho 20 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn học tập kinh nghiệm...
 
Giai đoạn 2017 - 2022, thành phố Bảo Lộc có 10.017 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả xét công nhận danh hiệu hộ nông dân thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là 6.579 hộ. Trong đó, hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương 7 hộ; cấp tỉnh 132 hộ; cấp thành phố 842 hộ; cấp xã, phường 5.598 hộ. Nhiều cơ sở hội có số lượng đăng ký và đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cao, như: xã Đại Lào; Lộc Châu; Phường I; Phường II; B’Lao và Lộc Phát. 
 
Xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, như: bà Nguyễn Thị Oánh, Trịnh Thị Ngọt (xã Đam B’ri); ông Nguyễn Văn Bảy (phường I); ông Châu Phước Bảo Thiện (phường II); ông Mai Văn Ba (phường Lộc Phát); ông Cao Anh Hoan (phường B’Lao); ông Vũ Thái Hòa (xã Lộc Nga); ông K’ Minh (xã Lộc Châu)…
 
Ông Lê Viết Thống - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Bảo Lộc cho biết, hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân đã giúp nhiều nông dân thành phố Bảo Lộc có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Mặt khác, việc nâng cao trình độ, nhận thức cho hội viên trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nông hộ nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố cùng các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp cho hội viên, nông dân...
 
ĐỨC TÚ