Giáo dục tiểu học: An toàn, linh hoạt, mục tiêu kiên trì chất lượng

12:09, 12/09/2022
Năm học 2022-2023 đối với giáo dục tiểu học, trong tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổng kết, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học. Với tỉnh Lâm Đồng, những kết quả đạt được, nhất là năm học 2021-2022 là “điểm tựa” và căn cứ để hoàn thành nhiệm vụ năm học mới trong tinh thần mới. 
 
Học sinh tiểu học huyện Đam Rông được tặng sách giáo khoa năm học mới
Học sinh tiểu học huyện Đam Rông được tặng sách giáo khoa năm học mới
 
Năm học vừa qua, giáo dục tiểu học (GDTH) tỉnh Lâm Đồng có 7.625 cán bộ, giáo viên (GV) và nhân viên.Tỷ lệ bình quân GV/lớp đạt 1,48; tỷ lệ GV một số bộ môn như sau: Âm nhạc 2,8%, Mĩ thuật 2,1%, Giáo dục thể chất 4,4%, Tin học 2,5% và Tiếng Anh 6,7%. Lâm Đồng đang thiếu cân đối giữa GV dạy các môn cơ bản và các môn năng khiếu.
 
Bậc tiểu học toàn tỉnh có 249 trường, trong đó có 2 trường tư thục, 2 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tổng số học sinh (HS) 134.012 em (dân tộc thiểu số chiếm trên 29%; có 776 HS khuyết tật học hòa nhập). Bình quân 32,4 em/lớp; đang có 12 lớp ghép với 214 HS. Trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, tuy nhiên vẫn còn 49 phòng học mượn cần khắc phục thời gian tới. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt 0,9 phòng; lớp 1 đảm bảo 1 phòng/1 lớp và bố trí dạy học 2 buổi/ngày. Toàn cấp có 132 phòng học Tin học, 90 phòng Tiếng Anh, 146 phòng chức năng, 18 phòng giáo dục nghệ thuật, 25 phòng mĩ thuật và 38 phòng âm nhạc. Đây là cố gắng lớn nhưng thực tế hiện một số cơ sở giáo dục không đủ diện tích đất để xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, chỗ nghỉ cho HS để đảm bảo lộ trình 100% HS được học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú (năm học đã sang tuần thứ 2 nhưng việc tổ chức bán trú ở một số trường đang lúng túng, loay hoay). Một số trường học còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng Giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật. Nhà đa năng, hệ thống sân chơi bãi tập hầu như chưa đáp ứng trước yêu cầu giáo dục thể chất đã trở thành môn bắt buộc từ tiểu học lên phổ thông. Bài toán khó này rất cần chính quyền các cấp thực sự quan tâm quyết liệt cùng với đó là tích cực xã hội hóa mới giải được. Lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hiện có 194/224 trường, chiếm tỷ lệ 86,6%. Phổ cập giáo dục tiểu học tỉnh Lâm Đồng đạt mức độ 3 là kết quả vui nhưng cần bền vững. 
 
Năm học 2021-2022 áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Lâm Đồng có trên 20.100 HS lớp 1 và 2 hoàn thành xuất sắc (gần 37,3%); danh hiệu HS tiêu biểu trên 14%; hoàn thành chương trình lớp học 97% (52.362/53.975 em). Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 100% với 26.445 HS. Đối với lớp 3, 4 và 5, hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đạt 24,3% (19.391 em); hoàn thành chương trình lớp học 98,5% (132.009 em) và hoàn thành chương trình tiểu học 100% với 4.635 HS. Cũng cần ghi nhận việc thực hiện dạy học môn Tin học và Tiếng Anh ở bậc tiểu học của Lâm Đồng là điểm cộng: 97,9% số trường tổ chức dạy học Tiếng Anh; trên 87% số trường triển khai cho học sinh lớp 1 và 2 làm quen Tiếng Anh. Môn Tin học đã có 91,9% số trường triển khai, tuy nhiên còn 31 trường tiểu học chưa được trang bị phòng máy vi tính là vấn đề rất cần quan tâm trong năm học mới...
 
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục nói chung trong đó có bậc tiểu học tiếp tục đổi mới; an toàn phòng, chống dịch bệnh; thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục là mục đích được ngành xác định rõ. Nhiều nhiệm vụ của GDTH được Bộ GDĐT chỉ đạo: nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng chuẩn bị GV dạy lớp 4 năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ GV dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học. Chất lượng giáo dục luôn là vấn đề cần đẩy mạnh; phấn đấu HS được học 2 buổi/ngày... Đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc thực hiện chương trình; phát huy sự phối hợp các bên: nhà trường - phụ huynh - xã hội... 
 
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Văn bản 4088, ngày 25/8/2022, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi ngày 30/8 đã ký và ban hành Văn bản số 1796 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTH năm học 2022-2023. Cụ thể về các nhiệm vụ: chương trình giáo dục lớp 1, 2 và 3; lớp 4 và 5; tổ chức dạy Tiếng Anh (và Tiếng Pháp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Đà Lạt), dạy Tin học; Giáo dục địa phương (áp dụng Tài liệu về Lâm Đồng của lớp 1, 2 và 3; riêng lớp 3 vừa dạy thử nghiệm tại 2 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn và Đoàn Thị Điểm, Đà Lạt ngày 08/9); giáo dục STEM... Đó là linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; hiệu quả về phương pháp và hình thức đánh giá; hiệu quả tổ chức dạy học tăng cường Tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số; thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện hiệu quả lớp học linh hoạt, lớp ghép...
 
Đối với Trường Khiếm thính Lâm Đồng và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, ông Trần Đức Lợi chỉ đạo: “Căn cứ vào điều kiện thực tế, khả năng của học sinh khuyết tật, nhà trường lựa chọn nội dung các môn học của Chương trình GDPT 2018 do Bộ GDĐT ban hành, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, thiết thực để đảm bảo hiệu quả, chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật; thực hiện hồ sơ quản lý theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; triển khai kế hoạch giáo dục cá nhân cho tất cả học sinh khuyết tật”. Trường Khiếm thính tiếp tục triển khai kết quả các nội dung thỏa thuận đã ký kết Dự án Nâng cao chất lượng học sinh khiếm thính của Bộ GDĐT (QIPEDC). 
 
MINH ĐẠO