Hiệu quả ở một chi hội nghề nghiệp

06:09, 09/09/2022
Nhờ chuyển đổi giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và vận dụng sáng tạo kỹ thuật vào sản xuất, các thành viên Chi hội nghề nghiệp Trồng dâu nuôi tằm của bà con dân tộc thiểu số tại thôn Đoàn Kết, xã N’thol Hạ, huyện Đức Trọng đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập tăng cao, cải thiện cuộc sống. 
 
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang đến thu nhập cao cho bà con dân tộc thiểu số tại thôn Đoàn Kết
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang đến thu nhập cao cho bà con dân tộc thiểu số tại thôn Đoàn Kết
 
Chị K’Mai Ly - Chủ tịch Hội Nông dân xã N’thol Hạ, cho biết, Chi hội nghề nghiệp Trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đoàn Kết được thành lập năm 2019, với 30 thành viên. Những ngày đầu thành lập, chi hội còn gặp nhiều khó khăn, vì ít thành viên, vốn khởi nghiệp cũng thấp, lại không có đất canh tác. Đến nay chi hội đã thu hút được 40 người. “Lúc đầu để tập hợp chị em lại chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, sau đó, Hội Nông dân đã phối hợp với UBND xã rà soát các hộ trồng dâu nuôi tằm, rồi đi từng nhà để tập hợp mọi người. Đồng thời, lựa chọn người có kinh nghiệm, kỹ thuật trong nghề “ăn cơm đứng” làm Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp Trồng dâu nuôi tằm thôn Đoàn Kết” - chị K’Mai Ly cho hay.
 
Vì đa số thành viên trong chi hội đều theo đạo công giáo nên các chị cũng dễ dàng trong việc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cũng như giúp nhau từ giống, thuốc tằm hay cây tằm giống. Trong quá trình sản xuất, các chị cũng biết vận dụng sáng tạo khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tiếp thu những cái mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Theo chân chị K’Mai Ly, chúng tôi đến thăm gia đình chị K’Nghiều - cũng là Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp Trồng dâu nuôi tằm thôn Đoàn Kết. Chị K’Nghiều cho biết, gia đình chị bắt đầu nuôi tằm từ năm 2005, tuy nhiên do trồng giống dâu cũ và cách thức nuôi truyền thống nên năng suất không được là bao. Từ năm 2015, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào dâu cũ sang trồng giống dâu mới, sau 5 tháng đã cho thu hoạch. Chỉ 1 sào dâu đã có thể nuôi được 1 hộp tằm do lá dâu to, dày, năng suất gấp 2-3 lần giống dâu cũ. Bên cạnh đó, chị đã dùng số tiền 20 triệu đồng vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư mua khung sắt trượt nuôi tằm thay cho bộ nong đã cũ và né 1 con công nghệ Nhật Bản thay cho giàn né tre trước đây. Chị K’Nghiều cho biết thêm, nuôi tằm trên khay sắt hiệu quả vượt trội, nhàn hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống. “Cũng nhờ nguồn thu từ trồng dâu nuôi tằm mà gia đình tôi đã nuôi các con ăn học nên người, trong đó có 3 con đã tốt nghiệp đại học. Từ khi tham gia vào chi hội nghề nghiệp, chúng tôi đã cùng nhau giúp đỡ lẫn nhau, bản thân cũng luôn sẵn sàng chỉ cho chị em những kinh nghiệm mà mình có được trong gần 20 năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm này. Ngoài ra, các thành viên trong chi hội cũng sẵn sàng giúp nhau hom dâu, đổi công cấy dâu, hái dâu...”. chị K’Nghiều kể thêm.
 
Đến thăm nhà K’Bê được anh cho biết, gia đình anh cũng bắt đầu biết đến nghề này từ năm 2005, lúc đầu là tự tìm hiểu, sau thì tham gia các khóa học chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức. “Gia đình tôi có hơn 3 sào đất trồng lúa nhưng năng suất và thu nhập không cao; lúc thì một năm thu được một vụ, chủ yếu là để nhà ăn, nếu bán thì thu được khoảng 10 triệu đồng/sào/năm. Từ khi quyết định phá lúa để trồng dâu nuôi tằm, thu nhập của gia đình vì thế cũng ổn định hơn và cao hơn nhiều lần, vì nếu giá kén gần 200 ngàn đồng/kg như hiện nay thì có thể mang lại thu nhập khoảng 7-10 triệu đồng/1 hộp kén/tháng” - anh K’Bê nói.
 
Theo chị K’Mai Ly, không riêng anh K’Bê hay chị K’Nghiều, mà trong năm 2021 vừa qua, các thành viên của Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm đều có thu nhập từ nghề này khoảng 250 triệu đồng/hộ, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/hộ.
 
Chị K’Mai Ly cũng cho biết thêm, toàn thôn Đoàn Kết hiện có khoảng 100 hộ trồng dâu nuôi tằm và trên địa bàn toàn xã hiện bà con trồng dâu nuôi tằm là khoảng hơn 200 hộ, với khoảng 110 ha. Thời gian qua, nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định, chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư không cao. Mặt khác, cây dâu dễ trồng, sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, kể cả đất bạc màu, chỉ sau 4-6 tháng trồng dâu có thể cho thu hoạch lá. Thêm vào đó, tằm dễ nuôi, tuy lợi nhuận thu trên 1 lần không cao nhưng tạo ra nguồn thu thường xuyên trong năm, rủi ro từ tằm cũng rất thấp. Trong những năm qua, ở địa phương đã có một số hộ mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo. “Chúng tôi rất mong có một nhà cung cấp tằm giống chất lượng, đảm bảo để bà con nuôi tằm cho chất lượng đạt hơn; cũng như có một nhà thu mua kén với giá ổn định để bà con yên tâm sản xuất. Vừa rồi, Hội Nông dân xã cũng phối hợp với Hội Nông dân huyện đi tham quan mô hình ở các xã khác và chúng tôi cũng đang có hướng cùng phối hợp với xã lân cận để mở nhà thu mua và cung cấp tằm chất lượng cho bà con trên địa bàn” - chị K’Mai Ly nói.
 
NHẬT MINH