Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp nên sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2012-2022 trên địa bàn tỉnh, Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
|
Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế |
Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam. Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe. Các hoạt động nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án về phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Hằng năm tổ chức phát động chiến dịch huởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe Nhân dân - 2/7 theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe.
Lâm Đồng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh năm 2021 đạt 94,43 (tăng 10% so với năm 2012); tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2021 đạt 88,2% (tăng 16,8% so với năm 2012).
Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2012-2022 đã tổ chức được hơn 14.220 cuộc nói chuyện, hội thảo với hơn 4 triệu lượt người tham dự. Việc tuyên truyền ATTP hướng mạnh về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thông qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất thực phẩm an toàn, xây dựng chuỗi ATTP... đã giúp người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân biệt hàng giả, thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc.
Từ năm 2012-2022, ghi nhận 33 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử lý, điều tra kịp thời nhằm hạn chế số ca bị mắc ngộ độc thực phẩm và tránh tình trạng ngộ độc tương tự trong cộng đồng. Công tác phối hợp liên ngành được tăng cường giữa 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp từ tỉnh đến huyện như: thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP cấp tỉnh, cấp huyện; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành trong các dịp cao điểm như: lễ, tết, Tháng hành động vì ATTP...
Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, tuyên truyền đến người lao động về các biện pháp phòng tai nạn lao động, giảm thiểu yếu tố có hại trong cơ sở lao động, phát tờ rơi, áp phích, treo băng rôn về nội dung vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp trong Tháng hành động vệ sinh lao động. Thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 1.051 doanh nghiệp, các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh. Triển khai khám sức khỏe cho 25.781 người lao động tại 451 doanh nghiệp. Khám bệnh nghề nghiệp cho 10.351 người lao động tại 50 đơn vị.
Bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, ngành Y tế đã cử nhiều lượt cán bộ tham dự các lớp tập huấn do Bộ Y tế tổ chức. Tại các đơn vị trong ngành hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý chất thải y tế cho đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế trong toàn đơn vị. Tổ chức truyền thông trực tiếp bằng tranh ảnh, tờ rơi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về việc quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.
Trong 10 năm qua, Ngành Y tế đã được đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải và gần 18 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Có 100% các đơn vị trong ngành Y tế đã phát động và thực hiện Phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa”, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Vệ sinh trong cơ sở giáo dục nhìn chung các trường đạt an toàn vệ sinh thực phẩm; công trình vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh; chất lượng nước sinh hoạt, nước uống được quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh từ các cấp mầm non, phổ thông.
Theo đánh giá, Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân tại Lâm Đồng đã được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tích cực triển khai của ngành Y tế và sự phối hợp tốt của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tích cực nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động của phong trào. Các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh... gắn với Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe Nhân dân đã được thực hiện đồng bộ, tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường, điều kiện sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Giai đoạn 2022-2026, Lâm Đồng tiếp tục phối hợp liên ngành trong việc tổ chức lồng ghép các hoạt động của phong trào. Triển khai theo các chủ đề về vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong các cơ sở y tế và nơi làm việc, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.
Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương và toàn dân tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong Nhân dân các nội dung hoạt động của Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Phong trào Vệ sinh yêu nước với các chương trình dự án khác có liên quan...
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin