"Bảo mẫu" của những mảnh đời bất hạnh

07:10, 20/10/2022
(LĐ online) - Các cô, các chị ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh vẫn hay nói với nhau rằng: “Nghề mình là nghề làm dâu trăm họ, phải có tâm, có sự kiên trì và nhẫn nại mới có thể theo nghề”.
 
Những cụ không còn sức vận động, Nông Thị Dung đều đến tận phòng để chăm sóc
Những cụ không còn sức vận động, Nông Thị Dung đều đến tận phòng để chăm sóc
 
THẤU HIỂU VÀ YÊU THƯƠNG
 
Cứ đều đặn đúng 7 giờ mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Nghĩa, nhân viên công tác xã hội Phòng Người cao tuổi và tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng lại thoăn thoắt đôi chân, đến từng phòng kiểm tra tình hình, giúp họ vệ sinh cá nhân, chia đúng khẩu phần ăn cho từng người, săn sóc tận tình từng trường hợp một. 
 
Khi chúng tôi hỏi, chị có thể nhớ hết họ tên, tuổi tác, hoàn cảnh của từng người một không? Chị Nghĩa nhẹ cười: “Họ đều là người thân của tôi, sao có thể không nhớ được”. Chị nói, dù chỉ gói gọn hoạt động đi vài vòng chân là có thể đi hết mọi ngóc ngách của Trung tâm nhưng nơi đây, dường như đã trở thành mái nhà thân thương thứ hai của chị. Nơi chị có hơn một người bố, người mẹ; nhiều thêm một đứa em trai, em gái. 
 
Chị Nghĩa nói, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ các đối tượng yếu thế, chị càng đồng cảm và rất thương những hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa đó. Sau khi tốt nghiệp Khoa điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng vào năm 2019, chị Nghĩa chính thức trở thành một thành viên của đại gia đình Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng.
 
Chị Nghĩa trải lòng, đa số các cụ ở đây đều đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều bệnh nhiều tật, lại không có con cháu ở bên chăm sóc nên nếu đặt mình vào hoàn cảnh như thế thì sẽ cảm thấy bất lực đến nhường nào. Cho nên, nhiều khi các cụ có giận dỗi, cáu bẳn hay tìm cách bỏ đi, đó cũng chỉ là mong muốn nhận được sự chú ý, quan tâm của mọi người. Hiểu được tâm lý đó, chị Nghĩa và các chị em nhân viên Trung tâm đều cố gắng nhẫn nại nhiều hơn, cẩn thận từng chút một, làm hài lòng để không khiến các cụ cảm thấy không thoải mái.
 
Hiện, Phòng Người cao tuổi và tâm thần có 7 nhân viên chăm sóc cho 55 người. Tại Trung tâm, mọi người đều sinh hoạt theo một thời khoá biểu nhất định. Khẩu phần ăn sẽ được bố trí phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, họ còn được tập thể dục nhẹ nhàng và tập vật lý trị liệu đối với những trường hợp tai biến.
 
NHÀ LÀ NƠI ĐỂ TRỞ VỀ
 
Nông Thị Dung, cô sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, đã ngay lập tức quay về phục vụ nơi đã cho mình một mái nhà thứ hai, nơi Dung nhận được đủ đầy tình cảm tình thân của một đại gia đình luôn yêu thương và nhớ về nhau. Bố mẹ mất khi Dung chỉ mới vừa tròn 14 tuổi, trong nhà còn chị lớn và hai em thơ nhỏ dại. Ông bà Dung đã tuổi cao mắt yếu, không còn đủ khả năng để có thể cho bốn chị em Dung được những điều kiện tốt nhất. Dung đến với mái ấm Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng trong sự nơm nớp, lo sợ khi không còn vòng tay chở che của bố mẹ. Cô gái nhỏ những tưởng sẽ phải một mình đối mặt với mọi thứ, nhưng may thay, ở ngôi nhà thứ hai này Dung gặp được những “thân nhân” chân thành yêu thương mình, chăm sóc và san sẻ tình cảm như con cái trong nhà.
 
Từ lúc đó, trong suy nghĩ của cô gái 14 tuổi nhất định khi trưởng thành sẽ quay trở về nhà, trở về với những yêu thương, trở về với nguồn động lực giúp Dung vượt lên trên mọi nỗi đau và cảm nhận được một điều: “Mình vẫn còn gia đình để trở về”.
 
“Ước mơ của mình đơn giản lắm, mình chỉ muốn được ở đây cùng với gia đình mình, cùng trải qua những tháng ngày hạnh phúc bên nhau”. Dung kể, có những cụ bị bệnh lẫn của người già, các cụ lúc nhớ lúc không, mỗi lần thấy Dung cụ lại khóc, lại ôm, lại thủ thỉ: “Cháu gái của nội, nội nhớ cháu lắm”. Những lúc như thế, Dung nghẹn ngào không thôi, Dung lại nhớ tới ông bà của mình. Vậy là hai cụ cháu cứ ôm nhau thút thít rất lâu, lại tự hứa với lòng mình, nhất định sẽ đồng hành cùng gia đình Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng.
 
Ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Công việc này tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi các nhân viên ở đây phải thật sự làm bằng cái tâm. Tại đây, các “bảo mẫu” luôn cảnh giác 24/24, ngay cả ban đêm, cũng đều thay phiên nhau túc trực để đảm bảo không phát sinh sự cố gì. Đôi khi vào những thời điểm không cố định, các trường hợp tâm thần sẽ lên cơn quậy phá, lúc đó, các anh chị em tại Trung tâm không quản phòng ban nào mà sẽ cùng lại hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho đối tượng bình tĩnh trở lại... Mặc dù, nhiều vất vả khó khăn khó nói là vậy, nhưng mọi người ở đây đều làm việc xuất phát từ tình thương, đó là tình cảm của một gia đình thật sự.
 
HƯƠNG LY