Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật điều trị loạn nhịp tim

03:10, 19/10/2022
(LĐ online) - Sáng 19/10, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã làm việc với Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) ký kết hợp tác chuyển giao 2 kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực can thiệp tim mạch gồm: Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần và thăm dò điện sinh lý trong buồng tim.
 
Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch
Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch
 
Đoàn công tác Bệnh viện Thống Nhất có PGS-TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện; PGS-TS Hồ Thượng Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện; TS Trương Quang Khanh - Trưởng khoa Nhịp tim; ThS Hoàng Quốc Nam - Phó trưởng Phòng Đào tạo và KTV Huỳnh Duy Mẫn - Khoa Nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất. 
 
Tại buổi làm việc, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và đoàn công tác của Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh thảo luận chương trình hợp tác, ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật cao. Nội dung chuyển giao 2 kỹ thuật mới gồm: Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần và thăm dò điện sinh lý trong buồng tim thực hiện tại Đơn vị Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng từ tháng 9/2022.
 
PGS-TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh phát biểu: Trong thời gian qua, thực hiện Đề án 1816 về cử cán bộ y tế hỗ trợ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Thống Nhất đã cử nhiều bác sỹ, chuyên gia đến hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, giúp phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch can thiệp, từ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho đến điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần và thăm dò điện sinh lý trong buồng tim. Trong can thiệp tim mạch còn nhiều kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Thống Nhất sẽ từng bước chuyển giao kỹ thuật giúp các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng làm chủ kỹ thuật mới trên nền tảng cơ bản của Đơn vị Tim mạch đã xây dựng thành công trong thời gian qua. 
 
Ê kip thực hiện kỹ thuật khảo sát và triệt đốt rối loạn nhịp bằng năng lượng tần số radio tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Ê kip thực hiện kỹ thuật khảo sát và triệt đốt rối loạn nhịp bằng năng lượng tần số radio tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
 
Trong năm 2022, Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục duy trì Đề án 1816, chỉ đạo tuyến, chuyển giao các kỹ thuật mới cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Với sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cơ sở vật chất được đầu tư tốt, trang bị hệ thống máy móc mới và lực lượng bác sĩ được đào tạo (4 bác sĩ), cần bổ sung thêm bác sỹ để triển khai các kỹ thuật mới này ngay tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
 
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất, những ca tổn thương phức tạp về tim mạch từ Lâm Đồng đến điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất khá nhiều. Các ca bệnh phức tạp bởi bệnh nhân lớn tuổi, vôi hoá tổn thương mạch vành, khó đặt stent buộc phải triển khai các kỹ thuật cao hơn. 
 
Với chương trình hợp tác này, Bệnh viện Thống Nhất sẽ cử chuyên gia đến hỗ trợ các bác sỹ Lâm Đồng thực hiện kỹ thuật cao về điều trị loạn nhịp ngay tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, mỗi đợt điều trị cho 6 - 7 ca giúp cho bệnh nhân không phải đi xa, chi phí tốn kém. Dự kiến, các ca bệnh khó, phức tạp sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với tần suất 2 tuần 1 lần nếu số lượng bệnh nhân nhiều. 
 
Người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật mới, TS Trương Quang Khanh - Trưởng khoa Nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Chúng tôi đã chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng một số kỹ thuật như đặt máy tạo nhịp đã thành công, các bác sỹ Lâm Đồng đã làm chủ kỹ thuật thực hiện tốt ngay tại bệnh viện. Hiện nay, trong chương trình hợp tác bắt đầu triển khai kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp. Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã cử ê kíp đi đào tạo, hiện có hệ thống máy móc đã sẵn sàng triển khai kỹ thuật chuyên ngành về loạn nhịp. 
 
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng là đơn vị đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên triển khai kỹ thuật mới này. Việc triển khai các kỹ thuật về điều trị loạn nhịp tại bệnh viện tỉnh giúp bệnh nhân đỡ tốn kém thời gian, chi phí khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Trước đây, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã thực hiện Đề án 1816 từ năm 2000, đến nay, chuyển giao thành công về kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, nay chuyển giao kỹ thuật triệt đốt các rối loạn nhịp tim.
 
Sau chương trình ký kết hợp tác, tại Đơn vị Can thiệp tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, TS Trương Quang Khanh - Trưởng khoa Nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất và Thạc sĩ - BS Nguyễn Hải Cường -Trưởng Đơn vị Can thiệp Tim mạch, BS Trần Quốc Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) cùng các kỹ thuật viên thực hiện kỹ thuật khảo sát và triệt đốt rối loạn nhịp bằng năng lượng tần số radio.
 
Ê kíp can thiệp nhịp thực hiện trên 3 bệnh nhân (2 nam, 1 nữ, độ tuổi từ 32 - 55 tuổi) đều ở huyện Lâm Hà được chẩn đoán nhịp nhanh kịch phát trên thất được chỉ định điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần. 
 
Thạc sĩ - BS Nguyễn Hải Cường cho biết: Hôm nay, Đơn vị Tim mạch can thiệp tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao mới trong ngành tim mạch can thiệp, đó là đốt điện sinh lý trong buồng tim. Sau một thời gian chuẩn bị máy móc, con người qua 2 năm đào tạo, hiện Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đủ êkip tiến hành một mảng mới trong điều trị tim mạch can thiệp cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp. Đây là kỹ thuật mới, rất khó cần thời gian lâu dài để đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật và lần đầu tiên triển khai tại Bệnh Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
 
Các bệnh nhân thường hay ngất, bị cơn tức ngực, những cơn loạn nhịp không phải phát sinh từ bệnh lý van tim, cơ tim, bệnh lý mạch vành mà phát sinh từ những nốt loạn nhịp trong buồng tim sẽ được áp dụng kỹ thuật đốt những ổ loạn nhịp để điều trị loạn nhịp cho bệnh nhân.
 
3 bệnh nhân đầu tiên được điều trị kỹ thuật này tại Lâm Đồng đều có tiền sử 1 - 2 năm qua nhập viện thường xuyên với những cơn ngất, tức ngực. Hôm nay, các bác sỹ tiến hành đốt những nốt gây ra loạn nhịp, sau điều trị giúp bệnh nhân trở lại nhịp tim bình thường. Thời gian trung bình đốt những ổ loạn nhịp từ 45 phút - 60 phút/ca và sau điều trị 1 - 2 ngày bệnh nhân xuất viện. Hiệu quả điều trị rất cao vì khi triệt đốt được các ổ loạn nhịp thì tình trạng bệnh lý của bệnh nhân hoàn toàn được cải thiện. Người bệnh loạn nhịp tim có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải, nên độ tuổi từ thiếu niên đến người lớn tuổi đều có thể mắc bệnh, bệnh lý này ở cộng đồng nhiều chiếm 10% dân số. 
 
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng có thiết bị tầm soát sẽ phát hiện và có chỉ định đốt điện sinh lý trong buồng tim. Hy vọng trong thời gian tới sẽ thực hiện thường quy kỹ thuật điều trị loạn nhịp tim tại BVĐK Lâm Đồng. 
 
AN NHIÊN