Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Đối với ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng, việc thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương đến nay đạt nhiều kết quả và cũng cho thấy tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại.
|
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao học bổng cho học sinh THPT các dân tộc thiểu số |
Nghị quyết 15 của Trung ương “một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đến nay tròn 10 năm. Đối với giáo dục, nhiệm vụ và giải pháp là “Bảo đảm giáo dục tối thiểu”. Cụ thể: “Tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về giáo dục. Mở rộng và tăng cường các chế độ hỗ trợ, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để bảo đảm phổ cập giáo dục bền vững. Tăng số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú; xây dựng và củng cố nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn. Xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở, đặc biệt là đối với con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu đến năm 2020, có 99% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, 95% ở bậc trung học cơ sở; 98% người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ; trên 70% lao động qua đào tạo”.
Với Lâm Đồng, tỉnh đã đạt được những tỷ lệ cao hơn so Nghị quyết 15. Tính đến hết năm 2020, ngành GDĐT đã đạt chỉ tiêu 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học; 98,53% ở bậc trung học cơ sở; 98,5% người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ. Ưu điểm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết là giáo dục Lâm Đồng ổn định, có tính bền vững; hoạt động dạy và học, các nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo kế hoạch và đạt kết quả tốt; nền nếp, kỷ cương được duy trì, giữ vững. Quy mô trường, lớp ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của Nhân dân; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đạt kết quả khá tốt... Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tăng cường; Phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đẩy mạnh; Phong trào Thi đua dạy tốt, học tốt tiếp tục phát huy...
Cụ thể, tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 đối tượng từ 15-35 tuổi chiếm 98% và từ 15-60 tuổi đạt 96,4%. Cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 142/142 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC); 12/12 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2. Ngày 10/6/2015, Bộ GDĐT công nhận tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh vẫn đủ điều kiện công nhận duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập này. Đối với PCGD tiểu học, tháng 4/1997, Lâm Đồng được công nhận đạt chuẩn XMC-PCGD tiểu học. Kết quả là nền tảng để phát huy về sau. Từ cuối năm 2008 Lâm Đồng đạt tỷ lệ 96,55% và đến tháng 12/2013, tỉnh đã có 148/148 xã, phường, thị trấn được công nhận duy trì PCGD tiểu học đúng độ tuổi; trong đó, 136 xã đạt mức độ 1 và 17 xã, phường đạt mức độ 2; tháng 12/2020, có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học; toàn tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Đối với PCGD THCS, tháng 12/2020, 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn, trong đó mức độ 2 có 11 huyện, thành phố, trừ Đam Rông mức độ 1.
Hiện nay, toàn tỉnh có một trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp tỉnh, 8 trường PTDTNT cấp huyện. Tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) học trường PTDTNT so với tổng số học sinh DTTS cấp THCS đạt 8,83% và cấp THPT là 8,36%... Sau khi rà soát cơ sở vật chất của các trường PTDTNT trên địa bàn, các hạng mục tiếp tục xây dựng bổ sung cho 8 trường cấp huyện để hoàn chỉnh cơ sở vật chất, đáp ứng trường đạt chuẩn quốc gia, gồm: 14 phòng học, 5 phòng thư viện, 5 phòng đoàn đội, 5 phòng truyền thống, 6 phòng sinh hoạt giáo dục dân tộc, 5 nhà tập đa năng, 2 phòng họp toàn thể giáo viên, 2 phòng giáo viên, 10 phòng công vụ giáo viên, 2 phòng giáo vụ và quản lý học sinh... Toàn tỉnh tại thời điểm này đã có 495/607 trường đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở một số địa bàn vùng sâu, vùng DTTS chưa thật vững chắc; nhiều giáo viên THPT ở vùng sâu mới vào nghề, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, còn lúng túng trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy - học; sinh hoạt các tổ, nhóm chuyên môn ở một số đơn vị còn nặng về hành chính. Đó còn là tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp còn thấp so với mặt bằng chung cả nước; công tác tổ chức bán trú tại các lớp mẫu giáo lẻ ở vùng khó khăn gặp nhiều bất cập do thiếu cơ sở vật chất; tiến độ thực hiện các chương trình xây dựng trường lớp còn chậm, các điểm trường tuy có nhà vệ sinh nhưng đã xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ... Cơ sở vật chất trường học chưa đồng bộ; một số trường thiếu diện tích theo quy định; nhiều điểm trường thiếu phòng học nên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trường tổ chức bán trú còn thấp.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin