Công tác bình đẳng giới trong ngành Giáo dục Đức Trọng

06:10, 26/10/2022
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới trong ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Đức Trọng đã và đang được quan tâm triển khai với nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực.
 
Một giờ học của các em học sinh Trường Mẫu giáo Đà Loan, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng
Một giờ học của các em học sinh Trường Mẫu giáo Đà Loan, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng
 
Theo Phòng GDĐT huyện Đức Trọng, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về giới, và các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành GDĐT luôn được quan tâm đẩy mạnh, được lồng ghép với nhiều hình thức khác nhau như ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, hội thi, hoạt động Đoàn, Đội... Các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cũng được quan tâm, chọn lọc phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi như Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản khác liên quan đến công tác cán bộ nữ...
 
Hằng năm, các trường học triển khai công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho giáo viên, học sinh theo các nội dung của Tiểu đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; phổ biến về quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại; hướng dẫn cho học sinh, nữ thanh, thiếu niên biết kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bạo lực, bị xâm hại; cung cấp kiến thức pháp luật, kỹ năng để thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em gái. 
 
Ngoài ra, lãnh đạo các trường học cũng đã tổ chức nhiều chuyên đề sinh hoạt như: Thi kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thảo luận chủ đề Bác Hồ với sự tiến bộ của phụ nữ; tuyên truyền, thi đố vui tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong dịp kỷ niệm các ngày lễ 8/3, 20/10, giúp nữ cán bộ, giáo viên, người lao động hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò của người phụ nữ đối với xã hội.
 
Có thể nói, bình đẳng giới trong lĩnh vực GDĐT trên địa bàn huyện thời gian qua đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Các trường học trong toàn ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt việc vận động trẻ em gái đi học, thực hiện phổ cập giáo dục xóa mù chữ; tư vấn và vận động nữ sinh THCS và THPT sớm chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu phát triển thị trường lao động.
 
Tỷ lệ nữ giáo viên chiếm 76% đã đóng góp rất lớn trong sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được cụ thể với nhiều hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng GDĐT, hoàn thành tốt Chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Tiếp tục duy trì 15/15 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ biết chữ của người dân trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 98,7%.
 
Bên cạnh đó, các trường học khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên được học tập, đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Hiện nay, toàn ngành đã có 100% nữ giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có hơn 1.400 giáo viên ở các ngành học đạt trên chuẩn, chiếm tỉ lệ 83,9%, trong đó có 1.092 giáo viên đạt trình độ đại học, chiếm tỉ lệ 63,2%; có 157 lượt nữ công chức, viên chức quản lý tham gia học tập các lớp cán bộ quản lý trường học và lớp trung cấp lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, chiếm tỉ lệ 86,3%.
 
Mặt khác, công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ của ngành được quan tâm, đến nay, có 727 đảng viên trên tổng số 2.240 cán bộ công nhân viên chức của ngành, chiếm tỉ lệ 32,5%, trong đó số đảng viên nữ là 569 người, chiếm tỉ lệ 78,2% (tăng 2,5%). 
 
Cùng với chuyên môn nghiệp vụ, các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao và phong trào xây dựng gia đình văn hoá cũng được quan tâm. Các mô hình điểm về xây dựng gia đình “ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững” ngày càng được nhân rộng...
 
NHẬT MINH