Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời - đẹp đạo” đã được đồng bào Công giáo huyện Đơn Dương tích cực tham gia, hưởng ứng; qua đó góp phần vào thành tích đáng ghi nhận của đồng bào Công giáo khắp các địa phương trong toàn tỉnh thời gian qua.
Đồng bào Công giáo hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản ủng hộ vùng dịch |
Với sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, MTTQ huyện, của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Đơn Dương đã nhận được sự đồng thuận và đóng góp nhiệt tình của bà con giáo dân trong huyện nên các phong trào thi đua, phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Từ đó tạo ra nhiều khởi sắc, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay trong vùng đồng bào có đạo.
Nổi bật nhất phải kể tới, đó là chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát động, ba cây cầu mới: cầu Tu Tra (cầu Ông Thiều), cầu Ka Đô và cầu Lạc Xuân đã được cây dựng bắc qua sông Đa Nhim, vừa nối kết hai phần đầu Bắc và Nam sông Đa Nhim, vừa tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông và vận chuyển hàng hóa, vừa là động lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, với sự đầu tư của Nhà nước, chính quyền huyện Đơn Dương cũng đầu tư cải tạo và nâng cấp hai con đường huyết mạch của huyện là Quốc lộ 27 và đường liên huyện 412. Cũng trong thời gian này, hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường làng, ngõ xóm trước đây chỉ là những đoạn đường đất lầy lội cũng đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Gần đây, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn như trồng các loại hoa cát tường, hoa lili và các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương như cây hồng, cây bơ,... ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng diện tích nhà lưới, nhà kính, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm nước và giảm bớt sức lao động. Nhiều công ty nông nghiệp, nhiều hợp tác xã nông nghiệp cũng đã được thành lập, góp phần đáng kể vào việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao thu nhập của người dân và đời sống kinh tế ngày càng ổn định.
Được biết, đồng bào Công giáo huyện Đơn Dương với gần 40.000 người đang sinh sống và sinh hoạt tại 12 giáo xứ đã luôn phát huy tinh thần gắn bó, đồng hành với dân tộc, luôn tích cực góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Đơn Dương ngày càng giàu đẹp gắn với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bà con Nhân dân luôn gương mẫu chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cùng các quy định chung của huyện, của xã, khu dân cư và của giáo xứ. Luôn hài hòa, đoàn kết giữa vùng lương và vùng giáo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.
Đông đảo lực lượng giáo dân trong huyện đã có những đóng góp tích cực vào phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái từ thiện, giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa. Đặc biệt, hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua của MTTQ Việt Nam huyện, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia xây dựng Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu; phối hợp duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả hoạt động các mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.
Đến nay, toàn huyện đã có 6 xã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 43 Khu dân cư kiểu mẫu đạt cấp huyện, trong đó có 18 Khu dân cư kiểu mẫu đạt cấp tỉnh; với 20 khu dân cư kiểu mẫu thuộc vùng đồng bào Công giáo đạt cấp huyện và 8 Khu dân cư kiểu mẫu thuộc vùng đồng bào công giáo đạt cấp tỉnh. Ngoài ra, tham gia xây dựng 8 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có 4 mô hình của đồng bào Công giáo.
Riêng trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các giáo xứ trong huyện đã tổ chức vận động hàng trăm chuyến xe với hàng ngàn tấn lương thực, đặc biệt là các loại rau, củ, quả để giúp đỡ các địa phương...
Những đóng góp tích cực của bà con giáo dân huyện Đơn Dương đã góp phần chung lập nên thành tích của huyện Đơn Dương khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Sau đó, huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án Giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, từ đó các lĩnh vực trong đời sống xã hội tiếp tục được phát triển. Với những kết quả đạt được, năm 2019, Chính phủ quyết định chọn 4 huyện tiêu biểu trên toàn quốc để triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có huyện Đơn Dương. Riêng Đơn Dương vinh dự được Chính phủ chọn làm Mô hình điểm Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025. Đây là một dấu mốc lịch sử đối với huyện Đơn Dương, đáp ứng mong đợi của Nhân dân và mở ra định hướng đúng đắn, bền vững và tạo động lực mới, khí thế mới để các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo của huyện tiếp tục gắn bó, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu chính đáng, xây dựng huyện Đơn Dương ngày càng vững mạnh.
ĐỨC KHIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin