Đức Trọng phát triển rừng bền vững

05:10, 20/10/2022
Thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Đức Trọng đề ra phương án bảo vệ và phát triển rừng hàng năm nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
 
Trồng rừng trên diện tích lấn chiếm tại Tiểu khu 267C, xã Hiệp An
Trồng rừng trên diện tích lấn chiếm tại Tiểu khu 267C, xã Hiệp An
 
Để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp tại Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 1836), ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Đức Trọng giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có theo quy hoạch được phê duyệt; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm.
 
Trên cơ sở các giải pháp phục hồi rừng, các chỉ tiêu được phân bổ tại Đề án 1836, đã phân bổ cho địa bàn huyện Đức Trọng thực hiện công tác trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích để phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm 633 ha. Qua đó, năm 2021 thực hiện trồng xen với diện tích hơn 412 ha. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022 thực hiện trồng xen với diện tích 187 ha. 
 
Để ngăn chặn tình trạng cơi nới, lấn chiếm, nâng cao độ che phủ của rừng, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện trồng rừng mật độ dày làm dải phân cách giữa đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách huyện, đến nay đã trồng được 115,3 ha. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã tổ chức giải tỏa được hơn 234 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tái lấn chiếm. 
 
Trong năm 2021, Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 64 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; giảm 12 vụ tương đương 15,8% số vụ so với cùng kỳ 2020; trong đó 63 vụ vi phạm hành chính và 1 vụ vi phạm thuộc khung hình sự. Trong 9 tháng đầu năm 2022, phát hiện và lập biên bản 22 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (số vụ có đối tượng: 11 vụ; số vụ vắng chủ: 11 vụ), giảm 26 vụ (tương đương giảm 54,2% số vụ) so với cùng kỳ năm 2021. 
 
Huyện thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Kiên quyết đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng đối với các dự án vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, không thực hiện theo đúng nội dung, tiến độ dự án được phê duyệt, để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn theo quy định. 
 
Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ viễn thám, vệ tinh, công nghệ thông tin…, tranh thủ các nguồn lực, kỹ thuật hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư số hoá các tài liệu, bản đồ, lắp camera... phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai các giải pháp về cắm mốc phân định đất nông lâm nghiệp, trồng rừng làm giải phân cách; đo đạc đất nông nghiệp giáp ranh...
 
Ông Lê Nguyên Hoàng cho biết thêm, xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai, nhất là đất lâm nghiệp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên UBND huyện Đức Trọng đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
 
Theo tình hình thực tế, UBND huyện tổ chức các cuộc họp đột xuất, chuyên đề để giải quyết các vụ việc phát sinh; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Lâm nghiệp; chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện công tác kiểm tra tình hình thực hiện dự án của các doanh nghiệp được giao rừng, thuê rừng; chỉ đạo giải tỏa đối với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất đai theo quy định... Định kỳ ít nhất 2 lần/tháng, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất đai tại địa bàn cơ sở, qua kiểm tra nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị xử lý đối với các vấn đề phức tạp có liên quan và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. 
 
Qua đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong kỳ đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhiều vụ việc qua điều tra, đấu tranh đã phát hiện được đối tượng vi phạm để hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
 
HOÀNG YÊN