Đức Trọng: Sẵn sàng tâm thế cho nhiệm vụ chuyển đổi số

03:10, 03/10/2022
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết trên. Đồng thời, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tiến tới mục tiêu chuyển đổi số như đã đặt ra.
 
Người dân lấy số thứ tự tại Kiosk lấy số thứ tự tự động được đặt tại Văn phòng Một cửa UBND huyện Đức Trọng
Người dân lấy số thứ tự tại Kiosk lấy số thứ tự tự động được đặt tại Văn phòng Một cửa UBND huyện Đức Trọng
 
Theo đó, Đức Trọng đã đặt mục tiêu cụ thể: Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số; xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ thuận tiện mọi lúc, mọi nơi; phát triển mạnh kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tạo động lực phát triển xã hội số; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực thế mạnh của huyện về y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp,... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Mặt khác, tập trung nguồn vốn, nhân lực để thực hiện việc chuyển đổi số theo từng giai đoạn và sử dụng hiệu quả, đồng bộ sâu rộng. Phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số và các ứng dụng dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phấn đấu đến năm 2030, huyện Đức Trọng cơ bản hoàn thiện và nâng cao các chỉ số về chính quyền số, xã hội số.
 
Riêng đến năm 2025, Đức Trọng phấn đấu chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, với 100% các văn bản, tài liệu chính thức không mật (theo quy định) trao đổi, xử lý, cập nhật, khai thác văn bản điện tử có chữ ký số trên mạng máy tính giữa các cơ quan đảng và giữa cơ quan đảng với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, được lưu trữ trong Hệ thông tin điều hành tác nghiệp của cơ quan. 100% cơ quan đảng các cấp của huyện sử dụng cổng thông tin điện tử có tích hợp với các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trên nền Web. 100% tài liệu được số hoá kịp thời và đưa vào khai thác trên mạng máy tính theo quy định số hoá tài liệu.
 
Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn huyện; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, huyện Đức Trọng phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của huyện; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%; năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 7%.
 
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, thị trấn, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%.
 
Ngoài ra, Công an huyện cũng đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030...
 
Để đạt được những mục tiêu chuyển đổi số cụ thể đã đặt ra, bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, cho biết: Huyện đã phối hợp với Viễn thông Lâm Đồng triển khai một số giải pháp công nghệ thông tin phục vụ công cuộc chuyển đổi số của địa phương. Cụ thể, huyện đang triển khai các giải pháp, gồm: Phân tích dữ liệu điều hành thông minh; Ứng dụng di động (app) kết nối Người dân và Chính quyền iGov Connect (Đức Trọng trực tuyến); Cổng thông tin và ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch đô thị; Phần mềm quản lý cấp phép xây dựng và xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; Số hóa dữ liệu quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; Quản lý theo dõi chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện về việc xử lý đơn thư kiến nghị; Quản lý hộ kinh doanh cá thể; Giải pháp đăng ký bốc số khám bệnh từ xa; Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; Quản lý hành nghề y dược và Quản lý đối tượng thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh - Xã hội. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Viễn thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức huyện và các xã, thị trấn để được hướng dẫn thao tác sử dụng ứng dụng Đức Trọng trực tuyến; Hệ thống báo cáo số liệu phục vụ trung tâm điều hành thông minh; Phần mềm Quản lý cấp phép xây dựng và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Song song với đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện năm 2022 và UBND các xã, thị trấn cũng đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng do phó chủ tịch UBND xã, thị trấn làm tổ trưởng, bí thư đoàn các xã, thị trấn làm tổ phó. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho 226 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Ngoài ra, từ ngày 25/9, huyện cũng đã triển khai Mô hình “Chợ 4.0 - QR Code” - thanh toán điện tử QR Code tại chợ Liên Nghĩa (thị trấn Liên Nghĩa) và các hộ tiểu thương dọc các tuyến đường xung quanh chợ Liên Nghĩa. Để triển khai “Chợ 4.0 - QR Code”, các hộ tiểu thương sẽ được VNPT Lâm Đồng cấp miễn phí 1 mã QR Code để phục vụ trong các giao dịch thương mại với khách hàng.
 
NHẬT MINH