Thuở ban sơ ấy, Lâm Hà là vùng đất hoang vu đầy cỏ gai bụi rậm, sình lầy. Dưới bàn tay khai phá của những nam thanh, nữ tú đất Hà thành một thời rực lửa đi xây dựng kinh tế mới trên cao nguyên Lâm Đồng năm xưa cùng với người dân các đồng bào dân tộc tại địa phương; vùng đất ấy đã từng bước đổi thay phát triển. Để có một Lâm Hà trù phú như hôm nay là cả một quá trình gian lao vất vả của những bậc tiền nhân đi khai hoang mở đất đến những thế hệ tiếp nối, là thành tựu từ quá trình nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn.
|
Diện mạo nông thôn mới đã khởi sắc rõ nét ở Lâm Hà |
•
NHỮNG NGÀY ĐẦU TRÊN MIỀN ĐẤT MỚI
Sau ngày thống nhất đất nước, non sông liền một dải, Đảng ta đã đề ra chủ trương phân bố lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng. Thực hiện chủ trương đó, năm 1976 tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng và thống nhất lấy Nam Ban - Lán Tranh với diện tích tự nhiên khoảng hơn 42,6 ngàn hecta (lúc đó thuộc huyện Đức Trọng) để xây dựng vùng kinh tế mới.
Theo kế hoạch đã định, ngày mùng 6 Tết Bính Thìn năm 1976, khi sắc xuân còn đang ngập tràn khắp phố phường Hà Nội, 100 thanh niên của Thủ đô, đã chia tay gia đình, người thân, bè bạn và tạm biệt Hà thành lên đường vào Tây Nguyên, đến miền đất đỏ Lâm Đồng để tiền trạm, mở đường cho cuộc khai phá vùng đất mới. Tiếp sau đó, lần lượt tám Tổng Đội thanh niên xung phong với hơn 2.000 người từ tất cả các quận, huyện ở nội và ngoại thành Hà Nội cũng đồng loạt lên đường vào vùng đất mới, mở đường, xây dựng kiến thiết và gieo những mầm xanh đầu tiên trên vùng đất đỏ hoang vu.
Trong ký ức của những người đi mở đất, miền đất mà họ đến để xây dựng vùng kinh tế mới là xứ hoang vu đầy ruồi vàng, muỗi, vắt, đêm đêm thú rừng hú nghe rợn người. Ông Đặng Viết Điều (77 tuổi), hiện đang sống tại tổ dân phố Đống Đa, thị trấn Nam Ban nhớ lại, tháng 12 năm 1976, ông đã cùng với nhiều thanh niên khác của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lên đường vào tham gia đội lao động tiền trạm trên vùng đất mới Nam Ban. Ngồi xe khách hơn 5 ngày đêm mới vào đến Lâm Đồng và sau đó được xe tải ZIL ba cầu huyền thoại do Liên Xô sản xuất ra “tăng bo” cả người và hàng hóa vào căn cứ tiền trạm qua những con đường mới mở đất đá lởm chởm, qua suối trên cây cầu gỗ bắc tạm. Và hình ảnh vùng đất mới hiện ra trong mắt ông là đồi núi hoang vu, sình lầy, lau sậy, cỏ tranh, gốc le chằng chịt. Sau đó, mọi người đã cùng nhau tham gia mở đường, cắt cỏ tranh, chặt nứa lợp thêm mái nhà để tiếp tục đón dân vào.
Hồi tưởng lại những ngày tháng khai hoang mở đất, những thanh niên tiền trạm thời ấy thường nhớ nhiều nhất về những gian nan vất vả, khó khăn trên miền đất mới. Thế nhưng với khí thế “Thanh niên 3 sẵn sàng” và hừng hực tuổi trẻ, những thanh niên đến từ Thủ đô ngàn năm văn hiến đã lao động chân lấm tay bùn để kiến thiết nên một vùng quê mới giữa chốn đại ngàn hoang vu. Từ đó, tạo tiền đề cho sự ra đời huyện mới Lâm Hà sau này.
|
Lâm Hà đang tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, rau, hoa, chè, cây đặc sản... |
• 35 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN
Sau 11 năm gian nan vất vả xây dựng kiến thiết vùng kinh tế mới, với sự phối hợp chỉ đạo đồng bộ của thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, Đảng bộ và Nhân dân vùng kinh tế mới đã nỗ lực cố gắng, đạt nhiều kết quả. Đó là một vùng kinh tế có quy mô, hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội, có cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng tương đối đầy đủ. Từ đó, đã hội tụ đủ điều kiện cho sự ra đời của huyện mới. Ngày 28 tháng 10 năm 1987, huyện Lâm Hà chính thức được thành lập, trên cơ sở lấy Vùng kinh tế mới Hà Nội làm nòng cốt cùng với 5 xã của huyện Đức Trọng và tổng cộng có 15 xã, 2 thị trấn với diện tích 158.659 ha, dân số 57.460 người. Tên huyện Lâm Hà cũng được đặt với ý nghĩa gắn bó sâu đậm của hai địa phương Lâm Đồng và Hà Nội.
Khi mới được thành lập, huyện Lâm Hà còn nhiều mặt khó khăn, hạn chế. Trước tình hình đó, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng sự giúp đỡ nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô Hà Nội; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lâm Hà đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, thực hiện đường lối đổi mới, từng bước ổn định, phát triển. Từ đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, ở mỗi thời kỳ cách mạng, giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà đã bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lớn nhằm lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ.
Giai đoạn đầu mới thành lập, Lâm Hà thực hiện nhiệm vụ tiếp tục xây dựng vùng kinh tế mới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng định canh định cư lâu dài, tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Đảng bộ huyện Lâm Hà đã chủ trương sắp xếp, chuyển hướng một bước cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tổ chức sản xuất và quản lý; bước đầu xây dựng nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, từng bước làm quen với nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Cùng với đó là phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển cây công nghiệp, tiến hành giao đất, giao rừng, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp tục củng cố hệ thống giáo dục, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Lâm Hà cũng tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đảm bảo quốc phòng an ninh, từng bước ổn định kinh tế - xã hội.
Sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, giai đoạn 1996 - 2000, kinh tế Lâm Hà liên tục phát triển, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đời sống Nhân dân trong huyện đã được ổn định và ngày một nâng cao. Phát huy những kết quả đạt được, Lâm Hà đã tập trung củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại hộ gia đình; xây dựng và ổn định vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cùng với đó, Lâm Hà cũng thực hiện hoàn thành công tác định canh định cư cho các thôn, buôn đồng bào dân tộc tại chỗ; thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Ở những giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lâm Hà đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, phát huy mọi nguồn lực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện tốt chính sách xã hội, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân. Với tinh thần phát huy dân chủ, đổi mới, Lâm Hà đã huy động mọi nguồn lực, xây dựng địa phương phát triển toàn diện và bền vững.
Đồng chí Hoàng Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Hà cho biết, sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, huyện Lâm Hà đã vượt qua mọi khó khăn và đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh trật tự. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân Lâm Hà giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,6%, năm 2021 là 6,7% và năm 2022 ước tăng trưởng 13,7% so với năm 2021. Thu ngân sách của Lâm Hà năm 2021 đạt 385 tỷ đồng và 10 tháng đầu năm 2022 đạt trên 455 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Lâm Hà hàng năm tăng khá cao, năm 2010 chỉ 19,7 triệu đồng/người/năm, đến hết năm 2021 đã là 74,4 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, huyện Lâm Hà đã hình thành 3 cụm kinh tế là Nam Ban, Đinh Văn, Tân Hà và hình thành vùng nguyên liệu với 3 cây trồng chính là cà phê, dâu tằm, chè.
“Tri ân các thế hệ cha anh khai hoang mở đất, xây dựng phát triển Lâm Hà qua từng thời kỳ; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lâm Hà sẽ đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng Lâm Hà ngày càng phát triển toàn diện, bền vững, ổn định”, Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Hoàng Thanh Hải khẳng định.
DUY NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin