Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Lâm Đồng ra đời sau HKH Việt Nam chỉ 4 năm và ngày càng vững mạnh về số lượng tổ chức, hội viên cũng như chất lượng hoạt động góp phần quan trọng cho sự phát triển giáo dục, nâng cao dân trí. Nhân Kỷ niệm 22 năm thành lập, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng phỏng vấn Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch HKH tỉnh.
|
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo và Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng trao thưởng cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc năm học 2021-2022 |
•
PV:
Thưa Chủ tịch HKH tỉnh Lâm Đồng, ông có thể chia sẻ mấy nét khái quát về vai trò và ý nghĩa của tổ chức HKH?
•
NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: HKH có 3 chức năng và vai trò cơ bản. Thứ nhất là khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân (không phân biệt điều kiện sống giàu hay nghèo) đều có quyền lợi và bình đẳng trong học tập và không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân. Thứ 2 là hỗ trợ giáo viên và Phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” của ngành Giáo dục. Bên cạnh đó là trao tặng học bổng cho học sinh giỏi và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập tiến bộ, không để các em phải bỏ học vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Và thứ 3, HKH cũng là tổ chức tư vấn và phát triển sự nghiệp giáo dục cho các cơ quan chức năng và địa phương.
Để làm tốt vai trò và chức năng trên, phải không ngừng phát triển tổ chức Hội và hội viên; nâng cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ HKH các cấp trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT).
•
PV:
Là địa phương tuy có đặc điểm khó khăn của giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng HKH tỉnh Lâm Đồng đến nay đạt được nhiều thành tựu. Ông có thể nêu một số thành tựu nổi bật?
•
NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Về công tác phát triển tổ chức Hội và hội viên, đến nay, toàn tỉnh có 12 HKH cấp huyện, 142 HKH cơ sở cấp xã, 2.572 chi hội và ban khuyến học. Tổng số hội viên hiện có 227.399, đạt tỷ lệ 17,6% trên dân số toàn tỉnh. Rất vui là tổ chức Hội phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư của tỉnh, trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và trường học. Về phong trào xây dựng và phát triển các mô hình học tập, giai đoạn trước năm 2020 xây dựng và phát triển 4 mô hình gồm: Gia đình học tập (GĐHT), Dòng họ học tập (DHHT), Cộng đồng học tập (CĐHT) và Đơn vị học tập (ĐVHT). Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 75,42% GĐHT; 48,97% DHHT; 91,97% CĐHT và 81,18% ĐVHT. Năm 2021, các mô hình này tiếp tục đạt tỷ lệ cao hơn. Việc triển khai các mô hình học tập được phối hợp và lồng ghép với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa và xã nông thôn mới. Giai đoạn từ năm 2021-2030, HKH các cấp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xây dựng và phát triển 4 mô hình học tập trên và thêm mô hình mới là công dân học tập (CDHT).
Quỹ Khuyến học của các cấp hội tăng cao từng năm. Trong đó công tác vận động xây dựng “Quỹ Tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng” được các doanh nghiệp và Nhân dân hưởng ứng tích cực. 20 năm qua, chúng ta đã vận động được 222,8 tỷ đồng. Năm 2021 và 2022 mỗi năm vận động được trên 23 tỷ đồng. Số tiền vận động được đã trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, khen thưởng học sinh, sinh viên có kết quả học tập giỏi và hỗ trợ Phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành Giáo dục.
Công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên được Hội đẩy mạnh. Hàng năm, Hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên các huyện, thành phố. Tổ chức các lớp tập huấn, các mô hình xây dựng xã hội học tập (XHHT). Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Phong trào Học tập suốt đời theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Cùng đó là phối hợp với Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng thường xuyên tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài và tuyên dương các mô hình trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. HKH tỉnh cũng như các HKH cơ sở còn làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền để ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời và phù hợp với địa phương; tham mưu sơ kết, tổng kết hàng năm và định kỳ 5 năm.
•
PV:
Thưa Chủ tịch Hội, trong các thành tựu trên, ông tâm đắc nhất là thành tựu nào và vì sao?
•
NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Trong các thành tựu trên, tôi tâm đắc nhất là kết quả xây dựng các mô hình học tập. Các mô hình GĐHT, DHHT, CĐHT và ĐVHT hàng năm đều giữ vững và nâng cao, tạo điều kiện cho người dân cần gì học nấy, học thường xuyên và học tập suốt đời. Cũng chính từ các mô hình học tập, chúng ta đã và đang xây dựng hiệu quả phong trào học tập của người lớn theo tấm gương “học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
•
PV:
Thưa ông, từ thực tiễn hoạt động của HKH các cấp, có thể đúc kết đâu là những yếu tố đem đến thành công cần tiếp tục phát huy?
•
NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Có nhiều yếu tố nhưng cần nhấn mạnh 5 yếu tố cơ bản. Trong đó, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền là yếu tố tiên quyết cho Phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Thứ hai là phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, chủ động liên kết với các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành thông qua chương trình phối hợp. Thứ ba là thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Thứ tư là vận động xây dựng Quỹ Khuyến học các cấp không ngừng lớn mạnh. Và cuối cùng là xây dựng và phát huy vai trò của cán bộ khuyến học các cấp để có một đội ngũ tâm huyết, có phẩm chất và năng lực vận động quần chúng.
•
PV:
Để sự phát triển Hội chất lượng, hiệu quả hơn nữa và có tính bền vững, theo ông, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức, triển khai các hoạt động như thế nào trong hệ thống tổ chức khuyến học và cả từ phía cộng đồng, xã hội?
•
NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Theo tôi, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được và quyết tâm khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới các cấp hội trong tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây. Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tham mưu, tư vấn, phối hợp đạt hiệu quả. Hai là, tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức HKH và hội viên ở các địa bàn dân cư. Ba là, tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “học tập suốt đời” với việc triển khai thực hiện đồng bộ, xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2021-2025. Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua Khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT; tuyên truyền và nhân rộng gương người tốt, điển hình trong phong trào. Và năm là vận động và xây dựng Quỹ Khuyến học đủ mạnh để tặng học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học, người lớn học tập suốt đời và hỗ trợ Phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” của ngành Giáo dục. Để hoạt động hiệu quả vai trò nòng cốt là tổ chức và hội viên HKH, đồng thời sự phối hợp đồng bộ, đồng hành nhiệt tình của cả hệ thống chính trị và từ cộng đồng.
• PV:
Xin cảm ơn ông!
MINH ĐẠO thực hiện
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin