Lớp 6 là lớp đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, được hiểu là Chương trình giáo dục đổi mới và bắt đầu từ năm học 2021-2022. Sau 1 năm thực hiện đã rút ra những bài học ý nghĩa để triển khai Chương trình GDPT 2018.
|
Học sinh lớp 5 kết thúc bài kiểm tra để tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2022-2023 |
•
TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ
Năm học 2021-2022, Lâm Đồng có 20.825 học sinh lớp 6. Số cán bộ quản lý 338 người, giáo viên bố trí dạy là 3.541 người và 688 nhân viên. Toàn tỉnh có 170 trường có cấp THCS, được trang bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học Chương trình GDPT 2018. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Trần Đức Lợi, năm 2021, Sở đã thực hiện mua sắm thiết bị lớp 6 với kinh phí trên 63,3 tỷ đồng, cấp cho 170 trường, chưa tính kinh phí địa phương cấp huyện.
Kết thúc năm học, đánh giá 2 mặt giáo dục đối với học sinh lớp 6 phải theo Thông tư 22 của Bộ GDĐT. Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GDĐT) Nguyễn Quốc Túy cho biết, kết quả về rèn luyện, loại Tốt đạt tỷ lệ 79,75% (16.540 học sinh); Khá 18,65%; Đạt 1,48% và Chưa đạt 0,12%. Về học tập, loại Tốt 22,69% (4.705 học sinh); Khá 36,82%; Đạt 35,21% và Chưa đạt 5,28%. Các cơ sở giáo dục (CSGD) đã thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ kiểm tra, đánh giá; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng điểm số, tổ chức xây dựng ma trận, đặc tả của đề kiểm tra theo hướng dẫn. Bộ GDĐT khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục đã được các CSGD ở Lâm Đồng triển khai có hiệu quả. Việc Sở GDĐT giao quyền cho nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tinh giản nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn; tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực, phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn là đường hướng cần phát huy từ cả 2 phía. Cũng theo ông Túy, thực hiện Chương trình GDPT 2018, hầu hết CSGD đã tích cực, chủ động trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, các địa phương hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng.
•
CHƯƠNG TRÌNH MỚI ĐÒI HỎI NHIỀU YÊU CẦU MỚI
Giai đoạn giao thời giữa 2 Chương trình GDPT, vấn đề quan trọng ở đây là chủ động, linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học. Kế hoạch giáo dục nhà trường cần đảm bảo tính thống nhất giữa 2 Chương trình, tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đảm bảo mục tiêu về hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Các CSGD cần xây dựng kế hoạch của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Thực tế còn những hạn chế như việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường ở một số CSGD chưa phù hợp với điều kiện của nhà trường; phân công giáo viên và bố trí thời khóa biểu dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 còn lúng túng, chưa hiệu quả... Việc xây dựng các bài học hay chủ đề tại một số CSGD còn đối phó, chưa thể hiện rõ nét về đổi mới phương pháp dạy học, về kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Vẫn còn những giáo viên truyền thụ một chiều theo lối cũ.
Tổng kết 1 năm triển khai dạy học lớp 6 mới, năm học 2021-2022, nhiều ý kiến từ Sở GDĐT, các phòng GDĐT và CSGD đã đánh giá, phân tích được những kết quả và tồn tại, hạn chế. Theo đó, thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, lớp 7 trong năm học 2022-2023. Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi cho rằng, một số phòng GDĐT chưa chủ động việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các CSGD để tư vấn cho các trường. Vì vậy, một số trường triển khai dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư 22 còn nhiều lúng túng. Ở một số trường, việc xây dựng kế hoạch giáo dục chưa đưa nội dung theo dõi thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì của các môn học; các chỉ tiêu đề ra đối với học sinh lớp 6 chưa đúng theo hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 22...
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm. UBND tỉnh phê duyệt tuyển sinh lớp 6 trên địa bàn là 24.694 học sinh. Những bài học kinh nghiệm là: Bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT để triển khai kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt đề xuất lựa chọn sách giáo khoa phù hợp đối tượng học sinh. Đó còn là bố trí giáo viên có đủ năng lực, đặc biệt phải tâm huyết; xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp thực tiễn nhà trường, địa phương và đối tượng học sinh. Tăng cường đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học và sinh hoạt chuyên môn... là chìa khóa mở cửa tri thức mới.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin