(LĐ online) - Trên khắp các con đường, cửa ngõ vào TP Đà Lạt, nhìn đâu cũng thấy những quả hồng chín mọng từ vàng đang ngã sang màu rực đỏ, như báo hiệu mùa Thu đã thật già trên phố núi, chỉ đợi cơn gió mùa đẩy sang Đông.
|
Phố núi bao phủ bởi các triền núi, thung lũng hồng đang vào chính vụ |
Trước cửa nhà ngoại trên lưng đồi, trái hồng đã chín đỏ cả rồi. Tôi nhặt những quả rơi rụng ngoài sân nhà, mùi thơm ngào ngạt của loại trái cây đặc trưng quê tôi mỗi khi mùa mưa dầm về. Đà Lạt vào Thu, cả bầu trời ươm màu nắng ấm rất đỗi dịu dàng… cái mùa xen lẫn thật nhiều cung bậc cảm xúc để khi đi xa trở về, tôi chợt nhận ra tóc bà đã bạc trắng và không còn đủ sức để theo tôi đi dạo trên những cung đường thân quen như ngày còn khỏe.
Tình yêu của bà, cả một đời dành cho thành phố mù sương này, cứ lớn dần theo năm tháng để khi kể về mùa thu, ngày bà gặp ông giao lời hẹn ước cũng đã thành kỷ niệm chia đôi, khi ông đã bỏ bà đi trước. Giờ nghe bà kể chuyện, tôi mới thấy mùa Thu quê nhà thật đặc biệt…
Tôi thong dong, chầm chậm bước chân, thẩn thơ ngắm nhìn bình minh lên trên phố nhỏ. Những ánh sáng len lói qua nhành cây hồng, cả thung lũng sau nhà như đang “tỏa sáng” đợi giờ than thở… lá bắt đầu rụng dần khi còn ít ỏi những cành cây đang ra sức níu giữ lá. Những tưởng cái trơ trụi ấy sẽ làm phai mờ đi sắc màu mùa hồng nơi phố thị. Có ai nghĩ, hình dung trong tôi là cả một thung lũng đỏ rực màu lửa đang ẩn hiện trước mắt bên kia đồi.
Sau giờ cơm trưa, tôi chào ngoại rồi “ba chân bốn cẳng” chạy về phụ nhà đóng túi hồng để kịp giao cho thương lái. Ở xã tôi, xưa nay vẫn nổi tiếng với đặc sản hồng treo Cầu Đất – Xuân Trường. Một xã thuộc vùng ngoại ô thành phố, từ nhà ngoại về xã mất khoảng 30 phút đi đường nhưng tôi đã quá quen thuộc với nơi này, từng con đường, ngõ hẻm đều in dấu bước chân tuổi thơ của tôi.
|
Ngoài hồng giòn, hồng chín trứng thì hồng treo gió là thức quà nổi tiếng của phố núi mỗi độ thu về |
Sau trận mưa chiều, trên mặt lá vẫn còn đọng lại hạt nước chưa kịp vơi. Hồng chín, cuống rụng lại rớt ra bên thềm nhà… phía xa, mấy chú chim chào mào núi hễ thấy quả rụng lại nhanh đôi cánh bay tới, đậu bên quả hồng tận hưởng từng xớ thịt quả với vị ngọt thơm ngon như một món quà của thiên nhiên ban tặng. Tôi thoáng mỉm cười, âm thầm đảo mắt nhìn cảnh vật quanh nhà, cảm giác “gột rửa” sau mưa thật đẹp.
Buổi sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm cùng cả nhà ra vườn hái hồng, dùng cây sào tre tự chế cao ngút để vợt những quả ở trên cao một cách dễ dàng mà không tốn nhiều thời gian. Công đoạn hái tuy có vất vả nhưng được ở bên ba mẹ, tận hưởng không khí quê hương thì ngày nào với tôi cũng là ngày vui.
Đến trưa, tranh thủ giờ nghỉ ngơi, tôi lại nhanh nhẹn chạy xe ra đầu thôn, trèo lên chỗ cao nhất trên bậc đá cạnh con suối bên kia đồi, chăm chú nhìn xa xăm đến cuối thung lũng mới ngỡ ra, có lẽ năm nay mùa hồng không bội thu như những năm trước. May sao, khách thập phương ủng hộ nhiều nên giá hồng vẫn bình ổn giúp nhà tôi có thể ổn định cuộc sống như bao vườn hồng khác.
Mùa hồng bắt đầu từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 và thường kết thúc vào tháng 11, cuối tháng 12. Mỗi năm, loại trái cây này chỉ cho thu hoạch một lần nên trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích bởi mùi thơm dịu dàng, vị ngọt thanh và màu sắc tươi đẹp. Đến nay, vườn hồng nhà tôi rộng hơn 1 ha, nếu 1 cây hồng đạt năng suất sẽ cho thu hoạch từ 2 đến 3 tạ tươi; thường thì 5 tấn tươi sau khi treo gió sẽ cho ra 1 tấn khô, giá bán giao động từ 250 đến 350 nghìn đồng/kg.
Ngoài đặc sản hồng sấy và hồng treo thì quả hồng giòn và hồng trứng chín đỏ cũng được rất nhiều người yêu thích vì hương vị ngọt thanh, thơm mát, nhiều nước luôn cho cảm giác sảng khoái khi ăn, thật khó mà từ chối. Do đó, so với những hộ kinh doanh khác thì nhà tôi chỉ bán hồng giòn và hồng chin. Năm nay, 1 kg có giá từ 20 đến 30 nghìn đồng tùy vào giống hồng và cỡ quả cũng như thời gian vụ mùa.
Ngoài ra, chuỗi gia công làm hồng sấy, hồng treo phải kể đến các tổ hợp tác hay hợp tác xã thu mua hồng gần nhà tôi. Mùi hương ngào ngạt, những quả hồng treo gió đang tươm mật qua ô cửa làm lòng tôi xao xuyến mỗi lần đi ngang qua các con đường dẫn vào thôn xóm đang bận rộn ngày mùa sản xuất hồng treo.
Theo đó, những quả hồng tươi ngon áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, trải qua nhiều công đoạn dây truyền khép kín trong thời gian 20 đến 30 ngày sẽ cho ra sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Hồng treo Cầu Đất - Xuân Trường quê tôi. Ngoài ra, những vườn hồng nặng trĩu quả không chỉ để thu hoạch làm món quà đặc sản của vùng miền mà còn để khách tham quan, tự hái trải nghiệm tại vườn và có cho mình bộ ảnh cực đẹp ẩn trong vườn hồng ươm sắc đỏ…
Ngoài thung lũng, vườn hồng chín rực kéo dài mênh mông vượt khỏi tầm mắt. Mùa hồng đi ngang phố là những cung đường hai bên nhà nhà hái hồng, người người bày sạp bán hồng rong ruổi khắp ngõ phường… Đi qua phố là đoạn dẫn vào các xã vùng ven, nơi nổi danh xứ hồng treo gió thơm ngon như Xuân Thọ, Trạm Hành, đặc biệt là Cầu Đất - Xuân Trường quê tôi; tiếp tục chạy xe, đi ra khỏi địa phận thành phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp, vẫn là những vườn hồng bao la ở các huyện vùng ven như Đơn Dương, Lạc Dương. Điều đó, tạo nên mỗi vùng đất đều có một vẻ đẹp nao lòng, mang theo cả trái tim người con Lâm Đồng và làm động lòng du khách thập phương.
Những ngày trời Thu Đà Lạt thật đẹp, những nhánh hồng sai quả hai bên ven đường đang vào mùa thu hoạch, đâu đó vẫn len lỏi những đám cây còn sót quả xanh đang đợi ngã màu… Tôi ngồi cạnh bà bên bếp sưởi, tận hưởng hương vị quả hồng chín với tách trà Ô long nóng đang bốc khói, đậm vị nghĩa tình quê mình ơi!
Đà Lạt đã vào Thu…
ĐẶNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin