Ngày Quốc tế Người cao tuổi suy ngẫm về việc thích ứng với tuổi già

11:10, 01/10/2022
(LĐ online) - Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Vì vậy, nhiệm vụ, giải pháp để chăm sóc người cao tuổi (NCT) nhằm thích ứng với xã hội già hoá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của NCT đối với gia đình, cộng đồng, xã hội là một yêu cầu cần kíp.
 
  VIỆT NAM CÓ TỐC ĐỘ GIÀ HÓA DÂN SỐ NHANH
 
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu NCT, chiếm khoảng 12,7% dân số; trong đó, dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất, riêng người từ 80 tuổi trở lên chiếm 17,75% tổng số NCT (gần 2 triệu người). Sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của số người từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999; dự báo đến năm 2029 sẽ tăng lên 16,66% và lên 26,10% vào năm 2049. Trong số NCT, rất nhiều người còn sức khỏe, được đào tạo bài bản nên có trình độ cao và vẫn có nhu cầu được làm việc vừa để cống hiến, sáng tạo, vừa có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới 60% NCT trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc. 
 
Theo nhận định của các chuyên gia dân số, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Già hóa dân số một mặt phản ánh thành tựu của Việt Nam, mặt khác cũng đặt ra những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Điều đáng quan tâm là già hóa dân số nhanh chóng trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp càng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội và phát triển của đất nước. Vì vậy, chính sách ứng phó với điều kiện già hóa dân số, nhất là các chính sách cụ thể nhằm tạo việc làm cho NCT, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, cũng như thúc đẩy sự phát triển của đất nước đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nước ta. 
 
  GIÀ HOÁ DÂN SỐ KHÔNG CHỈ LÀ THÁCH THỨC MÀ CÒN LÀ CƠ HỘI VÀ NGUỒN LỰC
 
Sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc như sự tăng trưởng kinh tế; lao động việc làm; chăm sóc y tế; an sinh xã hội,... Do đó, để xây dựng xã hội thích ứng với già hóa dân số, trước hết cần nhận thức rằng, tuổi thọ của người dân được nâng cao là một thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là về y tế. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề già hóa dân số cả về tình cảm và lý trí. Về tình cảm, chúng ta phải ý thức thế hệ già đã sinh ra và nuôi dưỡng thế hệ trẻ, nên không thể coi việc chăm sóc NCT là một gánh nặng mà đó là đạo lý; đồng thời cũng phải thấy được mặt thách thức và cơ hội đặt ra. 
 
Thách thức là: Suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế; Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, sự gia tăng nghèo và bất bình đẳng trong xã hội; Sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT và hệ thống y tế; Sức ép đối với tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT và lương hưu, trợ cấp cho NCT, chi tiêu công buộc phải tăng lên; Đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần cho NCT, điều chỉnh thị trường lao động,việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ... Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa. Về cơ hội, cần phải coi NCT là nguồn lực quý báu của quốc gia, dân tộc; họ có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt, đội ngũ trí thức là NCT có trình độ học vấn và chuyên môn được đào tạo, tích lũy trong nhiều năm, họ vẫn muốn tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự phát triển của đất nước,... 
 
Như vậy, già hóa dân số không chỉ là thách thức, mà phải nhìn thấy trong đó những cơ hội không nhỏ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Vấn đề đặt ra là phải có chiến lược làm chậm thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già; chủ động chuẩn bị nguổn lực và đề ra các biện pháp thích ứng với xã hội dân số già để hạn chế thách thức, tạo ra cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển đất nước. 
 
  THÍCH ỨNG VỚI XÃ HỘI GIÀ HÓA DÂN SỐ
 
Hiện nay, người già sống độc thân hoặc hai ông bà sống với nhau rất nhiều, trong khi điều kiện kinh tế rất hạn hẹp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân con cái đi làm ăn xa hoặc không muốn sống chung với bố mẹ. Một sự thật không thể cưỡng lại là khi xã hội biến đổi thì gia đình cũng thay đổi; xã hội nông nghiệp có kiểu gia đình truyền thống, xã hội công nghiệp có kiểu gia đình hiện đại. Nước ta đang chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và chứng kiến sự thay đổi của gia đình khá rõ. Việc không thể giữ mãi kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ quanh năm sống cùng nhau trong một mái nhà như trước đây, nhiều người cho rằng đó là sự đổ vỡ của gia đình truyền thống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách biện chứng, chúng ta không nên xem đây là sự đổ vỡ, mà là sự biến đổi để thích ứng với xu hướng xã hội mới. Vì khi đất nước bước sang thời kỳ CNH, HĐH, đô thị hóa và hội nhập quốc tế, thì buộc gia đình cần biến đổi để thích ứng với điều kiện phát triển mới. Do đó, phương án tốt nhất hiện nay là bố mẹ vẫn ở riêng nhưng gần con cái đã trưởng thành để vừa giữ được sự độc lập, đáp ứng được sở thích cá nhân, không làm phiền con cái, vừa giữ được mối liên hệ gần gũi, chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau để con cái yên tâm công tác, phát triển sự nghiệp.
 
Để thích ứng với già hóa dân số ở nước ta, Nghị quyết 21-NQ/TW (Khóa 12) về Công tác dân số trong tình hình mới đã nêu lên giải pháp “Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi”. Theo đó, môi trường thân thiện với NCT là môi trường hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của NCT nhằm đạt được “già hóa năng động” với các tiêu chí: vui, khỏe, tham gia các hoạt động, an sinh xã hội. Việc xây dựng môi trường thân thiện với NCT cần phát huy vai trò của gia đình trong chăm sóc phụng dưỡng NCT; cộng đồng tuyên truyền hỗ trợ nguồn lực; doanh nghiệp sản xuất hàng hóa - dịch vụ thích hợp và tạo việc làm phù hợp cho NCT; Nhà nước ban hành các chính sách, pháp luật và bố trí nguồn lực phát triển an sinh xã hội mang lại cuộc sống hạnh phúc cho NCT. Bản thân NCT cần phải có những kiến thức y tế cơ bản và phải chủ động tham gia mua bảo hiểm y tế để phòng những lúc bệnh tật xẩy ra; phấn đấu để tự đảm bảo về chi phí cho cuộc sống của mình, nêu cao tinh thần tự phục vụ; tập thể dục đều đặn để giữ gìn sức khỏe; nên đi khám bệnh định kỳ từ 1-2 lần/năm để phòng ngừa, phát hiện kịp thời nếu có bệnh; tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe, sở thích, chuyên môn,… 
 
Biện pháp thích ứng với xã hội già hóa dân số có nhiều nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn cà là cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ y bác sỹ lão khoa (Hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa, y tế cơ sở, nhân lực trong chăm sóc NCT); xây dựng các mô hình chăm sóc sức khỏe cho NCT tại gia đình và cộng đồng (Trung tâm, nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt; chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng,…); tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vay vốn của NCT để họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng thời có các chính sách tạo điều kiện phát huy vai trò của NCT nhất là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, năng lực quản lý tốt.
 
Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, đầu tư nguồn lực của các cấp, ngành liên quan, của cả gia đình và xã hội. Có như thế thì đời sống vật chất và tinh thần của NCT mới được quan tâm đúng mức, chất lượng dân số mới thực sự cải thiện.
 
VĂN NHÂN