Sự học không bao giờ dừng

06:10, 07/10/2022
Ngày 2/10/1996, Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam) chính thức thành lập. Sự kiện lịch sử này là một bước nối tiếp những phong trào vận động Nhân dân học tập dưới sự lãnh đạo của Đảng: Phong trào Học chữ quốc ngữ do Hội Truyền bá quốc ngữ tiến hành (1938-1945), Phong trào Bình dân học vụ xóa nạn mù chữ trong toàn dân để kháng chiến kiến quốc (1945-1950) và tiếp đó là Phong trào Bổ túc văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
 
Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng năng động, tâm huyết với công tác hỗ trợ phát triển giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất hiệu quả
Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng năng động, tâm huyết với công tác hỗ trợ phát triển giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất hiệu quả
 
• XÂY DỰNG NHIỀU MÔ HÌNH HỌC TẬP
 
Sau khi Cương lĩnh chính trị Đại hội Đảng lần thứ VII thông qua “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” (năm 1991), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề xuất vấn đề mang tính chiến lược là “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên cần có một đoàn thể xã hội hoạt động hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục”. Từ ý tưởng này, Hội Khuyến học Việt Nam ra đời. Từ đó, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã chung tay đảm nhận vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự giai đoạn 1996-2015; và từ đây, chức danh Chủ tịch Hội do các nhân vật nổi tiếng đảm nhận: GS, NGND Nguyễn Lân nhiệm kỳ I, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh nhiệm kỳ II và III, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Mạnh Cầm nhiệm kỳ IV, nguyên Phó Chủ tịch nước - GS.TS. Nguyễn Thị Doan nhiệm kỳ V và VI (2021-2026). 
 
Nhiệm kỳ VI là thập niên thứ 3 về xây dựng xã hội học tập (XHHT) với 5 mô hình học tập được triển khai từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, Quyết định 677 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng công dân học tập nhằm thực hiện chủ trương học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo tấm gương học không bao giờ cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công dân học tập còn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, mỗi công dân là một công dân số trong môi trường xã hội số. Cuộc vận động người lớn tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục không chính quy.
 
Trong 26 năm qua, Hội Khuyến học đã ghi đậm dấu ấn nhiều sự kiện quan trọng. Trước hết, đó là truyền thống hiếu học của dân tộc. Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là cốt lõi trong văn hóa học tập của người Việt Nam, truyền thống đó dựa trên triết lý học tập mà cha ông ta rút ra từ thực tiễn trong quá trình dựng nước và giữ nước qua ngàn năm: học để làm người... Truyền thống hiếu học là động lực giúp người dân xây dựng thành công những gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học giai đoạn 2000-2010 và gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập giai đoạn 2011-2020 và sẽ phát triển và kế tục bởi 5 mô hình học tập giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó là các thành tựu khác ngày càng được khẳng định và chứng minh sinh động trong thực tiễn. Đó là, Tư tưởng “Học không bao giờ cùng”, ý chí tự học suốt đời và mục đích làm cho dân tộc thông thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đường lối, chủ trương, chính sách phát triển nền giáo dục của Đảng; Tiến hành mọi chủ trương, kế hoạch khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT theo tinh thần xã hội hóa.
 
•  HỘI KHUYẾN HỌC LÂM ĐỒNG ĐẠT NHIỀU THÀNH TÍCH TỰ HÀO 
 
Đối với Lâm Đồng, Hội Khuyến học tỉnh thành lập ngày 23/10/2000, trải qua 5 nhiệm kỳ, 22 năm xây dựng và phát triển, với sứ mạng “nòng cốt” trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, sự đồng lòng, đồng tâm của các cấp hội Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giao phó. Một vài thành tích nổi bật là: Xây dựng và phát triển tổ chức Hội rộng khắp trên các địa bàn dân cư của tỉnh, trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.572 tổ chức hội với 227.399 hội viên, đạt tỷ lệ trên 17,6% dân số của tỉnh. Đặc biệt là phát triển hội viên ở các vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như các huyện Cát Tiên, Đam Rông, Lạc Dương, Di Linh. Một số Hội Khuyến học cấp huyện có tỷ lệ hội viên/dân số đạt cao như: TP Đà Lạt 20,93%, huyện Đơn Dương 18,57%, huyện Lạc Dương 18,38%.
 
Hội đã triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và các mô hình xây dựng XHHT đều khắp trên địa bàn dân cư. Làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền để ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng XHHT của tỉnh trong các giai đoạn từ năm 2000 đến 2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT cho các cấp hội và hội viên. Phát động phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập như Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập và mô hình mới về Công dân học tập. Một thành tích rất nổi bật khác là Hội Khuyến học đã vận động xây dựng Quỹ Khuyến học và Quỹ Tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng, mỗi năm tặng hàng ngàn suất học bổng cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ Phong trào Thi đua dạy tốt, học tốt của ngành Giáo dục. 
 
Chủ tịch Hội Khuyến học Lâm Đồng - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc chia sẻ: “. Các chỉ thị, quyết định và kế hoạch xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030 giao cho Hội Khuyến học các cấp rất nặng nề, vì vậy, các cấp hội cần nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thực hiện thành công công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh”. 
 
MINH ĐẠO