Trí tuệ nhân tạo phục hồi kinh tế, định hình tương lai

06:10, 11/10/2022
Trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học công nghệ là lĩnh vực vừa được Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc 23/9/2022. Lợi thế của tỉnh Lâm Đồng rất lớn khi có Trung tâm AIC tại Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) - một trong những trung tâm hàng đầu ở Việt Nam. 
 
Quan khách tham quan Trung tâm AIC tại Trường Đại học Đà Lạt
Quan khách tham quan Trung tâm AIC tại Trường Đại học Đà Lạt
 
•  ĐỘT PHÁ VỀ NĂNG LỰC SẢN XUẤT, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
 
Đảng luôn xác định, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc và một trong 3 đột phá chiến lược. Ngày 26/1/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 127 Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030 khẳng định: “TTNT là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững”. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) “Triển khai các chương trình đào tạo STEAM cho thanh, thiếu niên; triển khai đại trà các chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu, ứng dụng TTNT cho thanh, thiếu niên; thúc đẩy các chương trình đào tạo chính quy về TTNT, khoa học dữ liệu; thúc đẩy đưa các môn học về phân tích dữ liệu, về ứng dụng TTNT vào chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau trong các trường đại học và cao đẳng. Khuyến khích, thúc đẩy các tập đoàn công nghệ trong nước đầu tư xây dựng viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chất lượng cao về TTNT và khoa học dữ liệu (KHDL); đầu tư cho một số trường đại học triển khai đào tạo một số ngành đào tạo đại học, sau đại học về TTNT và KHDL”.
 
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống, bởi nguồn nhân lực AI của Việt Nam còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, việc cần lan tỏa khái niệm, cần được tiếp cận sớm, cần sự hiểu biết về AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Hiện, Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn, đi theo xu thế của thế giới và khoa học, Việt Nam sẽ tự tin hơn khi đào tạo được nguồn nhân lực AI đủ mạnh.
 
ƯU THẾ CỦA LÂM ĐỒNG VÀ KHU VỰC 
 
Tại Đà Lạt, ngày 7/5/2022, chính thức khai trương Trung tâm Giáo dục Đào tạo Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Center - AIC) tại Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) với sự tài trợ của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), trung tâm thứ 2 sau Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông William Hiếu Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn IPPG nhấn mạnh: “Mục tiêu của AIC là giúp học sinh, sinh viên theo đuổi ước mơ trở thành các tài năng AI, các chuyên gia AI, tạo nền tảng giúp lao động Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Bằng cách giáo dục và đưa AI vào cuộc sống, một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ kinh tế - công nghệ đầy hứa hẹn sẽ được hình thành, góp phần thúc đẩy Việt Nam bắt kịp trình độ phát triển của công nghệ và kinh tế toàn cầu”. Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHĐL, TS. Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh: “Ngoài việc đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học, nhà trường rất quan tâm đến giáo dục đào tạo cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên những nền tảng kiến thức TTNT”. 
 
Trao đổi với lãnh đạo Trường ĐHĐL, ThS. Trần Thống cho biết: AIC được đầu tư các thiết bị hiện đại với hơn 12 loại kit (bộ lắp ráp mô hình thiết bị thông minh), 4 loại robot hình người, xe tự hành và nhiều Laptop, Ipad. Mỗi bộ kit đều kèm một giáo trình quốc tế với 10 đến 15 bài giảng. Chương trình đào tạo này đang triển khai tại nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhât Bản, Phần Lan... Với 8 giáo trình khác nhau và các thiết bị, robot, AIC đảm bảo có thể đào tạo mọi cấp độ từ lớp 1 đến sinh viên đại học. Ngoài trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến, chương trình đào tạo đang được triển khai tại AIC còn có nhiều ưu điểm mà ít cơ sở đào tạo khác trong nước có thể có được. Chương trình thiết kế có lộ trình và giảng dạy theo phương pháp STEM/STEAM giúp học viên, nhất là các học sinh nhỏ tuổi tiếp cận AI, kiến thức lập trình tự nhiên và trực quan, từ dễ đến khó... Kết thúc khóa học, AIC kiểm tra đánh giá năng lực cho các học viên và trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.
 
ThS. Trần Thống cho biết thêm, một số công trình nghiên cứu tiêu biểu và giải pháp đã triển khai của Trung tâm AIC có thể áp dụng cho các vấn đề, bài toán tương tự ở địa phương tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh khác như: Hệ thống quản lý dữ liệu nông nghiệp huyện Lạc Dương; Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản sử dụng công nghệ Blockchain; Hệ thống dịch tự động tiếng Việt - K’Ho; Hệ thống nhận dạng về: loài hoa Đà Lạt, tình trạng kẹt xe; Hệ thống du lịch ảo; Hệ thống quản lý phòng nuôi cấy mô; Nghiên cứu dự báo ô nhiễm không khí... “Tuy nhiên, để các chương trình đào tạo hiện đại và các trải nghiệm thú vị, hữu ích của AIC được đến với đông đảo học sinh, sinh viên một cách hợp lý và thuận lợi nhất, ngoài sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, chúng tôi hoan nghênh mọi sự hợp tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng”, ThS. Trần Thống nói.
 
MINH ĐẠO