(LĐ online) - Đó là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 do Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động; trong đó, giao cho Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Phòng chống AIDS tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Mục tiêu của Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 là huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.
Theo Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới; trong đó, có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay >10.000 ca/năm); tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân); tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (hiện nay 6%).
Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV; trong đó, có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020). Số MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam.
Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, năm 2021, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Phòng chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã xây dựng và triển khai các kế hoạch và chương trình hành động tại một số trường học và các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch gia tăng. Tuy nhiên, các hoạt động này đang dừng ở dạng mô hình, thí điểm và có nguồn kinh phí tài trợ, chưa trở thành các hoạt động chủ động thường xuyên, liên tục ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên, cần có sự góp sức của đoàn thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị mình thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet.
NGUYỄN THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin