Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12 ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), 20 năm qua, Đảng đã lãnh đạo đưa khoa học - công nghệ thành đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng.
|
Ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn tạo bước đột phá trong nông nghiệp |
Phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ
Toàn tỉnh hiện có có 34 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ ; 6 doanh nghiệp KHCN được cấp giấy chứng nhận; 56 cơ sở nuôi cấy mô rau, hoa, nấm với 449 cán bộ kỹ thuật và 397 cử nhân kinh tế.
Nguồn nhân lực KHCN có trình độ của tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng; đến nay đã có 1.482 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động trong các lĩnh vực như: y dược, nông nghiệp, môi trường, xã hội - nhân văn... với 93 tiến sĩ, 1.244 thạc sĩ hoạt động trong các lĩnh vực KHCN và đang công tác tại các sở, ngành, viện, trường, trung tâm nghiên cứu.
Bên cạnh nguồn lực con người, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, hệ thống chuẩn đo lường, phòng thí nghiệm phục vụ công tác ứng dụng, chuyển giao KHCN, công tác quản lý tiêu chuẩn, chất lượng, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của tỉnh theo các tiêu chuẩn an toàn. Đơn cử như: Xây dựng Trung tâm Kiểm định nông sản Bảo Lộc; xây dựng Trạm thực nghiệm nghiên cứu rau, hoa tại thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương); mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...
Đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư là 642 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 231 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 411 tỷ đồng; với mục tiêu đưa các tiến bộ KHCN vào ứng dụng trong nền kinh tế nông nghiệp, làm tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên một cách bền vững. Đến nay, Đề án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng đã được thẩm định, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
KHCN là đòn bẩy cho sự phát triển bền vững
20 năm qua, KHCN đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh đã triển khai 335 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và cấp tỉnh, gần 300 nhiệm vụ cấp cơ sở với mục tiêu ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Các đề tài, dự án khoa học đã đưa ra những luận cứ, luận chứng về lý luận và thực tiễn cho thực hiện các chương trình mục tiêu lớn, như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh cũng tiếp nhận, ứng dụng trên 330 quy trình công nghệ đạt hiệu quả, xây dựng hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN tại các huyện, thành phố và được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống như: trồng rau, hoa công nghệ cao; nuôi bò thịt chất lượng cao; trồng dâu, nuôi tằm; sinh sản và nuôi thương phẩm cá nước lạnh... Ngoài ra, một số đề tài nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; nghiên cứu hướng tới giải quyết vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, lễ hội và thuần phong mỹ tục; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân...
Nổi bật nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đã tập trung vào việc khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng các kỹ thuật, quy trình mới trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5-7 lần so với làm thủ công; nhà kính nhập khẩu 150 ha tích hợp các công nghệ thông minh trên thế giới; công nghệ màng lợp nhà kính bằng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao 5-7 năm; công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Trong chăn nuôi, sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR; sử dụng robot đẩy thức ăn tự động; gắn chíp điện tử (SCR) theo dõi tình trạng ăn uống, nghỉ ngơi vật nuôi; theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật...
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt được chọn lọc, lai tạo đưa vào nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; các dự án xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được chuyển giao ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn đưa doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh năm 2021 đạt 201 triệu đồng/ha; doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao đạt bình quân 430 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ KHCN ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân với mục tiêu phát triển thể chất, tinh thần, giảm tỉ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; các kỹ thuật cao trong việc chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị. 100% đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, triển khai một cửa điện tử, rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, giáo án điện tử, sổ liên lạc điện tử, quản lý kiểm tra thi - xét tuyển - tốt nghiệp…
Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KHCN, thời gian tới, ngành KHCN sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tế, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân, đưa KHCN trở thành “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin