Đức Trọng nỗ lực về đích đúng lộ trình

07:11, 15/11/2022
Mặc dù gặp không ít khó khăn sau đại dịch COVID-19, nhưng huyện Đức Trọng đã nỗ lực về đích năm 2022 đúng lộ trình, với đa số các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.
 
Diện mạo thị trấn Liên Nghĩa ( huyện Đức Trọng) ngày một khang trang, sạch đẹp
Diện mạo thị trấn Liên Nghĩa ( huyện Đức Trọng) ngày một khang trang, sạch đẹp
 
Theo UBND huyện Đức Trọng, trong năm qua, việc phát triển sản xuất nông nghiệp đang từng bước tái cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình xây dựng Nông thôn mới được quan tâm thực hiện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố vững mạnh; thu nhập và điều kiện sống của người dân trên địa bàn được cải thiện và nâng cao. Số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt và vượt dự toán giao; giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Công tác thanh tra, tiếp dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai linh hoạt, dịch bệnh được kiểm soát, việc tiêm phòng được triển khai kịp thời. Các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp được phục hồi và phát triển. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe Nhân dân được đảm bảo, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức phù hợp, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19...
 
Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của huyện và tỉnh trên địa bàn như: Dự án hồ Ta Hoét, xã Hiệp An; Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, Khu đô thị Liên Khương - Prenn, Khu công nghiệp Phú Bình…
 
Một số chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt trong năm 2022 có thể kể đến: Ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản ước thực hiện 7.882 tỷ đồng, đạt 100,52% so với kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ; ngành Công nghiệp thực hiện 4.780 tỷ đồng, đạt 103,33% kế hoạch, tăng 12,6% so cùng kỳ; ngành Xây dựng thực hiện 4.755 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 10,07% so cùng kỳ; ngành Dịch vụ thực hiện 6.625 tỷ đồng, đạt 102,38% kế hoạch và tăng 13,83% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước do huyện quản lý ước thực hiện là 969,72 tỷ đồng, đạt 126% dự toán tỉnh giao và bằng 148,8% so với cùng kỳ. Trong năm, đã giải quyết việc làm cho 4.503 lao động, đạt 100% so với kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 64%, đạt 100% so với kế hoạch. Tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều: 0,24%, riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số 0,5%... Cũng trong năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho 4.503 lao động, đạt 100% so với kế hoạch; 15/15 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân ước đạt 90,4% và có 3 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Đức Trọng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng phá rừng, san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm so với kế hoạch. Công tác quản lý đất công tại một số địa phương chưa chặt chẽ, tình trạng xây dựng trái phép, sai phép còn xảy ra. Công tác cải cách hành chính tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn một số đơn vị, địa phương chậm trễ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; chất lượng tham mưu còn nhiều hạn chế. Tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật tuy đã được kiềm chế, giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố diễn biến phức tạp cần tập trung phòng ngừa đấu tranh trong thời gian tới.
 
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến toàn huyện nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của huyện Đức Trọng trong năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện đã đề nghị trong thời gian tới, các phòng, ban, đơn vị liên quan cần tập trung chỉnh trang đô thị, nâng cấp môi trường cảnh quan, xây dựng các chương trình hưởng ứng Festival Hoa; xây dựng chính quyền số trên cơ sở trang bị đầy đủ trang thiết bị cho các xã, thị trấn; hướng dẫn và xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về các sản phẩm OCOP, nhằm tạo điều kiện cho người dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ xây dựng mã vùng, tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 
Đồng chí cũng nhấn mạnh, ngoài 7 xã, thị trấn đã đưa vào quy hoạch chung đô thị, các xã còn lại cần điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 
 
Mặt khác, các địa phương cần tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng; cần tăng cường công tác quy chế dân chủ trên các lĩnh vực đất đai, đô thị, quy hoạch 3 loại rừng...
 
Chủ tịch UBND huyện cũng cho rằng, năm 2023 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo nghị quyết HĐND huyện Đức Trọng khóa XI, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức, dịch COVID-19 với các biến thể mới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, mục tiêu đặt ra trong năm tới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển; tập trung huy động các nguồn lực để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng, từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III và thành lập thị xã.
 
NHẬT MINH