Hạnh phúc với nghề dạy học tại Đà Lạt

07:11, 15/11/2022
Gần đến ngày 20/11 - ngày của những người làm nghề giáo Việt Nam, thầy giáo Kim Ilsoo đã có những chia sẻ niềm vui và hạnh phúc trong công việc giảng dạy của mình tại Khoa Đông phương học - Đại học Đà Lạt.
 
Thầy giáo Kim Ilsoo trao đổi với các sinh viên Trường Đại học Đà Lạt
Thầy giáo Kim Ilsoo trao đổi với các sinh viên Trường Đại học Đà Lạt
 
Trong cặp kính trắng và nụ cười rất tươi, thân thiện, dễ tiếp xúc, thầy giáo Kim Ilsoo (sinh 1978) trông trẻ hơn độ tuổi rất nhiều. Người Seoul, thầy giáo Kim Ilsoo đến Việt Nam cách đây 8 năm theo một chương trình hỗ trợ quốc tế của Hàn Quốc và được phân công về Đại học Đà Lạt công tác. Hiện nay, ông đang dạy ngôn ngữ Hàn tại Khoa Đông phương học. Lớp học khá đông nhưng thầy vẫn chịu khó đi đến từng sinh viên để giúp đỡ khi cần. Đặc biệt, thầy có thể trao đổi với sinh viên trong lớp bằng tiếng Việt hay tiếng Anh khi cần. “Để dạy tốt, tôi đã học tiếng Việt cách đây 5 năm và vẫn đang tiếp tục học. Tiếng Việt là ngôn ngữ rất thú vị, không khó học và cũng có những từ Hán - Việt giống trong tiếng Hàn”, ông cười. 
 
Đến Đại học Đà Lạt, theo ông, là một sự ngẫu nhiên theo yêu cầu của công việc, và bản thân ông trước đó cũng muốn thử ra nước ngoài làm việc. Nhưng khi đến và làm việc với trường, ông thấy mình đã chọn lựa đúng. So với một Seoul đông đúc thì Đà Lạt khá thanh bình, êm ả. “Mỗi nơi đều có nét đặc sắc và điểm thú vị của nó mà phải sống và trải nghiệm thì mới biết”, ông nói. 
 
8 năm tại Việt Nam, trong công việc dạy học yêu thích, theo thầy giáo Kim Ilsoo, đó là một hành trình đầy thú vị. “Tôi rất thích Việt Nam, thích Đà Lạt. Rất cảm ơn Việt Nam vì đã chọn mình”, ông tươi cười.
 
Ông kể, so với 8 năm về trước khi mới đến đây thì cách nhìn về Việt Nam của ông nay đã thay đổi rất nhiều. Hồi trước, ông chưa biết nhiều về đất nước và con người Việt Nam, nhưng nay, ông cảm nhận Việt Nam là một quốc gia với con người thân thiện, nhiệt tình, dễ gần; với những sinh viên yêu quý thầy cô giáo, với những cảnh quan tuyệt đẹp. Đặc biệt, là một Đà Lạt với khí hậu ôn hòa vô cùng thuận lợi để sinh sống và làm việc.
 
Điểm thú vị nhất, theo ông, đó là lịch sử và nền văn hóa Việt Nam trải dài hàng nghìn năm với nhiều điểm rất đặc sắc, phong phú. Càng ở lâu nơi đây, ông càng muốn học hỏi và tìm hiểu nhiều hơn nữa về văn hóa Việt Nam.
 
Ông nói vui rằng, trong một mặt nào đó, bản thân ông đã có đến 49% là người Việt; phần còn lại là người Hàn Quốc. Từ khi tới Việt Nam, tới Đà Lạt, ông đã ít tới các nhà hàng Hàn Quốc, mặc dù Đà Lạt không thiếu các nhà hàng như thế. Nhưng chính việc làm quen với ẩm thực Việt Nam, với các món ăn rất ngon và đa dạng với ông đã là một niềm vui. Ông chia sẻ: “Tôi thích ăn bún, ăn phở Việt. Cứ mỗi sáng thức dậy, một câu hỏi khó đặt ra với tôi rằng sáng nay nên ăn phở hay ăn bún”.
 
Với giảng dạy, thầy giáo Kim Ilsoo cho biết, sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ, nhiệt tình, luôn cố gắng học tập và rất nghe lời thầy cô. Cũng tùy từng cá nhân mỗi sinh viên, nhưng nhìn chung trong các lớp thầy dạy hầu hết đều rất nỗ lực, chịu khó, có nhiều sinh viên đến năm 3, năm 4 đã có thể nói khá trôi chảy tiếng Hàn, có một nguồn vốn kiến thức nhất định để sau này ra trường tự tin công tác tốt. 
 
Điều đáng tiếc, theo ông là trong 2 năm vừa qua do tác động của đại dịch COVID-19 nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học tại trường đại học cho sinh viên. “Dạy ngôn ngữ, cần thực hành hằng ngày, cần lên lớp để biết các sinh viên yếu chỗ nào mà bổ sung, hỗ trợ kiến thức nhưng do dạy và học trực tuyến, lớp lại đông nên không giúp được các em nhiều. Cho nên, trong thời gian này, khi sinh viên lên lớp trực tiếp được, các thầy cô trong khoa, trong đó có tôi, cần phải nỗ lực nhiều hơn để giúp các bạn thực hành giao tiếp tại lớp để bắt kịp trình độ ”, ông nói.
 
Ông cho biết, ở Hàn Quốc cũng có ngày xã hội dành tôn vinh nhà giáo, đó là ngày 15/5 hằng năm. Cũng giống như ngày 20/11 tại Việt Nam, ngày 15/5 ở Hàn Quốc có nhiều hoạt động ý nghĩa trong học đường. Ngày đó, học sinh, sinh viên Hàn Quốc thường bày tỏ niềm kính trọng và sự yêu quý của mình đối với thầy cô bằng những món quà nhỏ, những tấm thiệp viết tay hay những bó hoa.
 
Tại Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến mang cho thầy giáo Kim Ilsoo nhiều cảm xúc. “Ngày này khiến tôi có cơ hội nhìn lại bản thân mình. Tôi muốn cảm ơn các sinh viên, cảm ơn nhà trường vì đã cho tôi cơ hội được làm việc, được cùng các em học tập và phát triển năng lực qua từng ngày. Tôi mong muốn sẽ nỗ lực thật nhiều để nâng cao trình độ giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của sinh viên một cách tốt nhất, hoàn thiện nhất”, ông chia sẻ.
 
VIẾT TRỌNG - LIÊN NHUNG