Hoa dã quỳ ở Đài Loan

02:11, 17/11/2022
(LĐ online) - Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa, tuy nhiên ảnh đại diện cho lễ hội hoa ở thành phố mù sương này không phải bằng các loại sang trọng mà là dã quỳ, một loại hoa hoang dã của địa phương. Chính màu vàng của dã quỳ đã làm rực lên thành phố. Trần Đình Long, 32 tuổi, người con của Lâm Đồng đã mang hình ảnh dã quỳ đồng hành đến tận Đài Loan (Trung Quốc). Long tốt nghiệp đại học ngoại thương và thạc sỹ (MBA) tại Đài Loan vừa trở về xứ trà B’Lao.
 
Tác giả cùng thạc sỹ Trần Đình Long (bên phải)
Tác giả cùng thạc sỹ Trần Đình Long (bên phải)
 
Ai đó lên B’Lao hay Đà Lạt theo quốc lộ 20 đều phải vượt qua con đèo Bảo Lộc dài 10 km. Hàng năm, cứ vào cuối thu ven đường đèo đầy hoa dã quỳ nở vàng như chào đón du khách. Cũng tại các xã đầu đèo này, hơn 20 năm trước đã xãy ra trận lụt lịch sử. Gần trăm căn nhà ngập nước, không ít người đứng nhìn theo tài sản của mình bị cuốn trôi, ôm mặt khóc. Và hôm lụt lội ấy, ông Trần Đình Trình dân xã Đại Lào hớt hải đến nhà tôi với gương mặt tím tái, tay dắt đứa con trai tên Long 10 tuổi, tay phải cầm theo một ống tre dài 50 cm. Gặp tôi, ông hết sức lo lắng: “Thầy ơi! Nhờ Thầy xem giấy tờ trong này có sao không! Đêm qua nước ngập lo chuyển đồ đạc không nhớ đến ống tre, cũng may nó chưa trôi đi. Nếu tập tư liệu gia tộc nằm trong ống này bị sũng ướt, tôi không biết giải thích thế nào với dòng họ Trần Đình!”. 
     
Ông Trình ngồi và chủ động mở nấp. Thật may mắn, toàn bộ giấy tờ bên trong đều khô ráo, ông kéo ra vuốt thẳng từng tờ giấy cổ đặt trên bàn. Đó là tư liệu xưa bằng chữ Nôm được đống mộc son. Ông giải thích  “Đây là sắc chỉ của vua Thành Thái đời nhà Nguyễn phong tặng cho cá nhân và gia tộc Trần Đình”. Xong việc, ông cảm ơn và mang ống tre về. Tiễn ông ra đường, tiện tay hái tặng cho cậu bé mấy đóa hoa dã quỳ trong nước ướt sũng thì thầm với Long “ Họ tộc Trần Đình... nhà ta là một gia tộc danh giá. Đời người cũng như đóa hoa dã quỳ này. Đã là hoa cho dù ở đâu đến mùa vẫn nở,  tỏa hương thơm cho đời....”. Cu Long dạ lí nhí vòng tay chào Thầy bước theo bố. Lúc ấy trong tâm thức tôi, cháu quá nhỏ chưa thể hiểu được những thuật ngữ: Tỏa hương, danh giá, hổ danh…
 
Mùa Thu năm nay, cũng đã hơn hai mươi năm mùa hoa dã quỳ nở. Đứng trước nhà riêng của tôi là một Trần Đình Long trận lũ năm nào nay là một chàng trai cao lớn khỏe mạnh cúi đầu chào thầy cũ với gương mặt từng trải đầy nghị lực. Em cho biết đã tốt nghiệp đại học ngoại thương và thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA (Master of Business and Administration) từ Đài Loan về, Long mở túi xách tặng tôi chai dầu gió của Đài Loan. Ở xứ mình từ ngày xưa đến bây giờ, đối với người làm thầy, việc học trò đến thăm mang biếu quà cáp thực sự không cần thiết, điều chính yếu là có còn nhớ và trân trọng người thầy thơ ấu của mình hay không! 
 
Tôi mời em ngồi, sau vài câu thăm hỏi rồi mở đầu câu chuyện “Hai mươi năm, con còn nhớ Thầy và đến thăm là mừng rồi! Thầy trân trọng nghĩa cử và vui mừng sự thành công bước đầu của con. Thời đại 4.0 mà cha mẹ chăm sóc hoặc can thiệp và đời tư con cái quá kỹ là đồng nghĩa bóp chết sự trưởng thành của chúng. Vậy bố mẹ đã cho đã cho con trai của mình trải nghiệm như thế nào!”. 
 
Long tự tay pha cà phê cho 2 thầy trò và bắt đầu câu chuyện một cách từ tốn: “Gặp được Thầy con rất mừng. Con luôn nhớ trận lụt năm xưa với đôi mắt lo âu của bố về ống tre và những lời căn dặn của thầy bằng hình tượng hoa dã quỳ ngày trước. Trong những năm sống ở xứ người, con xem những hình ảnh ấy như là một động lực vô hình giúp con vượt qua những tháng ngày khôn khó. Đài Loan – vùng đất có rất nhiều đồi núi, trên những triền đồi đều có hoa vàng mỏng manh thân nhỏ không giống như dã quỳ nước mình. Tuy nhiên các loại hoa đều giống nhau là cho dù đất tốt hay xấu khi đến tuổi đến mùa hoa vẫn nở. Con cảm thấy như đời con người khi đến tuổi 18 phải tự bươn chải kiếm sống, có thể mưu sinh bằng trí tuệ hay cơ bắp đều phải tự tồn tại với xã hội. Trong đời sống vật chất, một sản phẩm xuất xưởng phải hội đủ yếu tố giá thành, chất lượng, mà người tiêu dùng cần, còn thanh niên bước từ gia đình ra xã hội tiêu chí còn khắc nghiệt hơn. Vì vậy, chính quyền Đài Loan đào tạo cho chính công dân họ và ngoại quốc theo 1 quy trình nghiêm ngặt dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, mới được các nhà quản lý trân trọng”.
 
Long ngã người trên chiếc ghế tựa nhìn ngôi nhà cũ, cây mận già, lũy tre trúc của tôi một thời em cấp sách đến học Anh văn hàng ngày, rồi trải lòng: “Đời con được học ngoại ngữ qua nhiều thầy, cô nhưng đối với thầy là đầu tiên, thầy đã dạy chúng con phát âm, luyện giọng và văn hóa ứng xử trong lúc giao tiếp, đã đặt nền móng cho con sau này. Hơn mười năm trước, gia đình con không khá giả gì, con là trưởng còn 2 đứa em gái nên khi ra nước ngoài con phải vừa học vừa kiếm sống để giảm bớt gánh nặng gia đình vừa làm gương cho 2 em đồng thời muốn lăn lóc trải nghiệm cuộc sống cơm áo và chuẩn bị làm người. Vì vậy những năm đầu đại học, con xin làm over time (ngoài giờ) đủ dạng công việc từ rửa chén bát, bồi bàn đến dọn phòng, quét rác miễn sau có đủ tiền để tiếp tục được học. Và rồi cũng nhờ sự quen biết, trải nghiệm kiếm sống và sử dụng tốt tiếng Hoa, tiếng Anh nên nên khi lên cao học được các doanh nghiệp cho làm quản lý sử dụng trí tuệ nhiều hơn cơ bắp. Chính những sự cọ xát cơm áo và ứng xử giao tiếp để trở thành con người có trí tuệ được người khác trân quý là một bài toán khó mà tự mình phải giải trước khi trở thành một con người có trách nhiệm với gia tộc và đất nước. Tuy nhiên cuộc sống ở nước ngoài không phải dễ dàng như giấc mơ vàng lúc còn trong nước. Năm năm trước con bị té xe gãy tay nằm trơ trọi một mình giữa núi đồi hoang vắng nhưng đầy hoa vàng như dã quỳ quê mình. Lúc ấy con nhận ra được thế nào là sống độc lập, vượt khó đứng dậy khi bên cạnh không có gia đình. Lúc được xe chở vào viện đối mặt với cảnh không người thân, không đủ tiền viện phí nước mắt con chảy ra, đã có lúc con tính bỏ cuộc về nước, nhưng nhớ đến sự danh giá của gia tộc Trần Đình, nhớ dã quỳ ở quê, một loại hoa dù đất xấu khô cằn vẫn cố sức nở vàng đã thúc đẫy con vượt qua bằng mọi giá. Những ngày kế tiếp, con gắng sức đi làm kiếm sống mặc dù lúc ấy con chỉ có một tay mạnh khỏe còn tay kia đang băng bột. Thầy ạ! Cuộc đời của một sinh viên xa xứ không phải là giấc mơ vàng mà phải đối mặt với máu, nước mắt và liêm sĩ con người, liêm sĩ dân tộc”. Long vuốt mặt thở hắt vào tâm tức khi nhớ lại một thời xa vắng.
 
Để động viên người học trò cũ, tôi đẩy ly cà phê lạnh ngắt về phía em: “Con ạ! Con có được một quãng đời cô độc, gian khó ở xứ người, có nghĩa là con sẽ có một sự nghiệp vẻ vang sau này”. Thầy ạ! Năm trước con về B’Lao được phòng nội vụ giới thiệu đến trường Trung học phổ thông và Trường chuyên Bảo Lộc nói chuyện với các bạn học sinh về kiến thức học tập và sự trải nghiệm. Kết quả, có nhiều bạn xin đi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản thay vì Mỹ, Anh, Canada...”.
 
Tiễn Long ra về, hai thầy trò đứng dưới tán cây mận già, tôi chia sẻ: “Do Thái là một đất nước không có tài nguyên lại nằm trên sa mạc, nên chính phủ tập trung phát triển thương mại và khoa học kỹ thuật là chủ yếu. Vì vậy sinh viên năm thứ hai đã bắt đầu khởi nghiệp bằng cách viết dự án thành lập doanh nghiệp (trừ y tế và giáo dục). Mục đích để xây dựng một công dân có trách nhiệm với xã hội, gánh vác với chính phủ”  Em tự tin: “Ngày xưa thời vua chúa, con người đi học để ra làm quan nhưng thế hệ thời 4.0 như tụi con đi học để làm người và làm giàu. Sinh viên Đài Loan hay Nhật Bản, Hàn Quốc đều được đào tạo kỹ năng làm việc cộng đồng là sau khi tốt nghiệp đại học ra xã hội, ngoài khả năng chuyên môn còn phải cộng thêm 3 loại văn hóa hành trang đời người là văn hóa giao tiếp, văn hóa trí tuệ và văn hóa vật chất. Vật chất ở đây có nghĩa là tự mình tồn tại bằng khả năng mà không cần phải nhờ vả hay núp bóng gia tộc, thầy ạ!”.
 
Ghi chép: TRẦN ĐẠI