Những gương mặt nhà giáo tiêu biểu

06:11, 22/11/2022
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà ươm cho đời đầy trái ngọt hoa thơm”…
 
Các thầy, cô giáo tiêu biểu tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Các thầy, cô giáo tiêu biểu tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
 
Đó là khổ đầu bài thơ "Có một nghề như thế" của Giáo sư, Viện sĩ, TSKH, Nhà giáo Ưu tú Đinh Văn Nhã sáng tác năm 2017 được nhạc sĩ Bùi Anh Tú phổ nhạc và giới nhà giáo truyền ca như là niềm tự hào và vinh dự. Ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng 46 năm qua đã có 32 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; hàng trăm nhà giáo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm học 2021-2022, toàn ngành có 7.577 cá nhân được khen thưởng; trong đó 123 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trong giảng dạy, quản lý, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” và thực hiện tốt Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
 
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), 5 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho hàng trăm nhà giáo tiêu biểu vinh dự lên sân khấu trò chuyện về nghề. Tất cả đều chung một nhiệt huyết với nghề: Thầy giáo Hoàng Khắc Thưởng - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Đức Trọng; cô giáo Trần Thị Mai Trâm - giáo viên Trường Mầm non Đạ K’nàng, huyện Đam Rông; thầy giáo Nguyễn Nhật Minh Đăng - giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương; cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh - giáo viên Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng và cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Phan Bội Châu. 
 
Thầy giáo Hoàng Khắc Thưởng là người có nhiều sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, 4 năm đạt sáng kiến cấp cơ sở và năm 2017 đạt sáng kiến cấp tỉnh. Năm 2021, thầy tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật và đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh, giải C cấp Liên đoàn Lao động tỉnh. Thầy 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và năm 2017 đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Công lao của thầy Thưởng còn là trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh và đã đoạt 1 giải ba Quốc gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, 12 giải cấp tỉnh tại các cuộc thi: Khoa học kỹ thuật, Ý tưởng khởi nghiệp, Khởi nghiệp đổi mới nông thôn, Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng; 6 giải Quốc gia Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để xử lý tình huống thực tiễn… Thầy được tặng 1 Bằng khen của Tỉnh ủy cho đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục; 2 bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; 1 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; 1 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh…
 
Gắn bó nơi vùng sâu khó khăn nhưng cô giáo Trần Thị Mai Trâm tự trau dồi chuyên môn. Năm học 2016-2017, cô đoạt giải Ba cấp huyện Hội thi Nghiệp vụ sư phạm trẻ; giải Nhất cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh Hội thi Thiết kế bài giảng điện tử E-Learning. Cô cũng có 4 năm Chiến sĩ thi đua cơ sở và năm 2020-2021 đạt Giáo viên giỏi cấp tỉnh và Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Phần thưởng của cô còn là bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…
 
Còn thầy giáo Nguyễn Nhật Minh Đăng được nhiều người biết đến là một nhà giáo đam mê công nghệ thông tin. Thầy đã truyền cảm hứng đến học sinh tiểu học. Với cá nhân thầy, giải Nhất Cuộc thi Thiết kế bài giảng E-Learning cấp Quốc gia trong năm học 2021-2022. Với học sinh, thầy bồi dưỡng, hướng dẫn hỗ trợ và đã thu được nhiều “quả ngọt”: 1 giải Nhất, 1 giải Khuyến khích Hội thi Tin học trẻ tỉnh Lâm Đồng năm 2022 trong đó 1 học sinh được tham gia vòng khu vực Hội thi Tin học trẻ toàn quốc; 3 học sinh đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo cùng CodeKitten của Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở GDĐT, còn bản thân thầy đoạt giải Nhất…
 
Ở môi trường giáo dục chuyên biệt, cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh luôn thể hiện sự nhiệt tâm với nghề. Điều mà đồng nghiệp ấn tượng về cô là giáo viên thường xuyên nghiên cứu, học hỏi tìm ra các biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh. Kinh nghiệm cô chia sẻ: “Cho học sinh lựa chọn nghề theo năng lực và sở thích; sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong các bài dạy, coi đó là ngôn ngữ chính thống, là tiếng mẹ đẻ của trẻ khiếm thính. Bản thân thường xuyên sử dụng kết hợp nhiều phương pháp dạy trong một tiết học nhằm đem lại cho học sinh những bài học sinh động và hào hứng nhất”. Cô tham gia và đoạt giải cao Hội thi Giáo viên dạy giỏi, đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2019 -2020, cô được tặng giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT...
 
Khép lại bài giới thiệu khái lược này là thành tích của cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng với giải Nhất cấp cơ sở về Thiết kế giáo án điện tử; giải Khuyến khích cấp tỉnh và giải Nhì Quốc gia Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn trong giảng dạy; giải Nhì Giáo viên giỏi cấp tỉnh… Cô Kim Phượng đã được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
 
Không tự bằng lòng với những thành quả đã đạt được, những nhà giáo được vinh danh tiêu biểu cùng bày tỏ sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để góp phần tô thắm trang sử giáo dục Lâm Đồng, nhất là trước những yêu cầu về đổi mới… 
 
MINH ĐẠO