Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về bình đẳng giới (BĐG) được nâng cao rõ rệt. Qua đó, không ngừng tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trong học tập, lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho phụ nữ khuyết tật tiêu biểu thuộc hộ nghèo, cận nghèo huyện Lâm Hà |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã chủ động tổ chức, quán triệt, phổ biến kiến thức và thực hiện nhiều mô hình về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ mang lại hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, như thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn, học tập kinh nghiệm... Luật BĐG còn được tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua các hội thi là cán bộ Đoàn các cấp, cán bộ Đoàn khối nhà trường. Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm Chính trị huyện, thành phố đưa nội dung giáo dục về giới, Luật BĐG vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Hội Liên hiệp Phụ nữ xây dựng trang thông tin điện tử thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về BĐG trong công tác hội... Luật BĐG, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được triển khai nghiêm túc, hiệu quả và đồng bộ ở các cấp, các ngành, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt, trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm.... Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, từng bước thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tiến tới BĐG thực chất, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình tại nơi cộng đồng và trong cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được duy trì nhằm kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật.
15 năm qua, chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc, ngày càng phát huy hiệu quả. Điều này đã góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả công tác BĐG , vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước. Vai trò, vị trí của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ được hưởng các quyền cơ bản của mình một cách bình đẳng và đầy đủ. Hàng năm, số lượt người được giải quyết việc làm dao động từ 28.000 đến 30.000 lao động, trong đó, nữ chiếm 43,6% giai đoạn 2011 - 2015 và chiếm 46% giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021 là 47%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 29,5% giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016- 2020 đạt 42% và đến năm 2021 đạt 50%. Tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức giai đoạn 2011 - 2015 đạt 80%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 100% và năm 2021 đạt 100%.
Cùng với đó, công tác cán bộ nữ được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức nữ công tác trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đã chủ động tích cực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong các ngành, các cấp. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là gần 29.700 người, trong đó, nữ là trên 19.600 người. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng, từ 13,5% giai đoạn 2010 - 2015 lên 17,8% giai đoạn 2015 - 2020; tổng số nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong ngành Giáo dục chiếm tỷ lệ 68%...
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật BĐG , trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác BĐG ; lồng ghép công tác BĐG vào chương trình trọng tâm, trọng điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Quan tâm đưa công tác bình đẳng giới vào hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai các mục tiêu BĐG vào xây dựng triển khai thực hiện các chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
NHẬT MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin