(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn chỉ đạo một số nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh các sở, ngành, địa phương phải rà soát, tổng hợp điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh xong trước ngày 20/12/2022
|
Lâm Đồng đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn |
UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất cơ cấu diện tích đất lâm nghiệp theo kết quả thống kê, kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng năm 2019 đã trình Bộ Tài nguyên Môi trướng thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 và UBND tỉnh đã phân khai chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tại Văn bản số 3654/UBND-ĐC ngày 26/5/2022 làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tiêu chí đưa vào quy hoạch 3 loại rừng gồm: Những diện tích hiện trạng đang có rừng tự nhiên, diện tích rừng trồng vốn ngân sách Nhà nước; diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ (dưới 1ha) nằm xen kẽ trong rừng; diện tích có độ dốc lớn; diện tích đất, rừng vi phạm đang được giải tỏa hoặc đang trong quá trình xử lý vi phạm; diện tích sản xuất nông nghiệp trong rừng đặc dụng; diện tích phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp sau ngày 1/1/2019 (thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành); diện tích lấn, chiếm đất trên các dự án đầu tư thuê đất, thuê rừng, giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Tiêu chí đưa ra quy hoạch 3 loại rừng gồm: Diện tích đã canh tác nông nghiệp ổn định từ năm 2019 trở về trước mà không có tranh chấp (tranh chấp giữa các hộ dân, tranh chấp giữa các hộ với đơn vị chủ rừng); diện tích canh tác nông nghiệp ổn định trước năm 2019 mà bản đồ hiện trạng kiểm kê đất đai năm 2019 cập nhật chưa đầy đủ so với hiện trạng theo thực tế; diện tích đất đã được cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, rừng sang các mục đích khác không phải lâm nghiệp; diện tích đất đã canh tác thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định do yếu tố lịch sử trước đây mà chưa được giải quyết; diện tích đã được cấp GCNQSDĐ hợp pháp; diện tích đất, rừng thuộc dự án: Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; phục vụ tái định cư, tái định canh; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các công trình khác.
Bên cạnh đó, đối với diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án sử dụng đất, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Trong đó, đối với diện tích đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ thì chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về đất đai.
Đối với diện tích là đất công thì chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện theo phương án, sử dụng phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sử dụng vào mục đích: Cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và khó khăn theo chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; đất công cộng; thu hút các dự án nông nghiệp, phát triển dân cư...
Ngoài ra, diện tích đất đã được giao, giao khoán ổn định cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo các Nghị định của Chính phủ thì đưa vào diện tích đất công, không được hợp thức hóa đất của công thành đất của tư.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn cùng các địa phương căn cứ số liệu đã phân bổ để rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với từng địa phương trong tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/11/2022.
Ngoài ra, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, gửi Sở Tài nguyên môi trường, Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn trước ngày 10/12/2022. Sở Tài nguyên môi trường phối hợp cùng Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn, địa phương, cơ quan và đơn vị liên quan hoàn thành việc rà soát, tổng hợp điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, trình UBND tỉnh trước ngày 20/12/2022.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng giao trách nhiệm Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc rà soát, đưa ra, đưa vào diện tích quy hoạch lâm nghiệp, cấp GCNQSDĐ, quản lý, sử dụng quỹ đất công nêu trên phải thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế.
Tuyệt đối không được hợp thức hóa các sai phạm, vi phạm trong quá trình thực hiện việc rà soát, điều chỉnh. Đồng thời, chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh trong quá trình thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh, trình phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Sau khi kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh được phê duyệt; giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị liên quan thanh tra việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
C.THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin