Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị với ngành Giáo dục

06:11, 09/11/2022
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nằm trong tổng thể bức tranh của Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch hành động như thế nào? 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chúc mừng đội ngũ ngành GDĐT nhân Ngày khai giảng năm học 2021 - 2022
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chúc mừng đội ngũ ngành GDĐT nhân Ngày khai giảng năm học 2021 - 2022
 
Tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số khía cạnh để mọi người cùng tư duy, nhận thức và hành động. Thời gian qua, Tây Nguyên đã đạt được những kết quả và thành tích, tuy nhiên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, đối với lĩnh vực GDĐT, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “GDĐT chuyển biến còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao”. 
 
Căn cứ Chương trình hành động số 10, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy; Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 205, ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh; Văn bản số 7950, ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng, đầu tháng 11, Sở GDĐT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23. Mục tiêu tổng quát là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện sự nghiệp GDĐT của tỉnh; trọng tâm là tạo sự chuyển biến về chất lượng, khắc phục cơ bản những hạn chế để GDĐT thật sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo các điều kiện để nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Cùng với đó, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và giáo dục thể chất. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn. 
 
Trên bình diện chung đã nêu, mục tiêu cụ thể được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Từ năm 2021 - 2025, tiếp tục duy trì và củng cố chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia theo các bộ tiêu chuẩn cũ ban hành trước năm 2020. Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia từ 82% trở lên. Từ năm 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành GDĐT Lâm Đồng tổ chức rà soát, đánh giá và đánh giá lại công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia dựa trên các tiêu chuẩn mới về công nhận trường chuẩn quốc gia do Bộ GDĐT ban hành giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%; trung học cơ sở khoảng 75%; trung học phổ thông khoảng 60%.
 
Để thực hiện được những kết quả này, lãnh đạo Sở GDĐT đã nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể, Nhân dân trong việc phát triển sự nghiệp GDĐT theo hướng bền vững. Mặt khác, các giải pháp và nhiệm vụ đồng thời bao gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT. Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục. Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Có thể nói, với những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới từ Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị lần này, sự phát triển của ngành GDĐT cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội. Theo đó, vùng Tây Nguyên sẽ “tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn” và “Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong đợi và tin tưởng.
 
MINH ĐẠO