(LĐ online) - Người Việt Nam ta từ khi biết cắp sách tới trường mấy ai không thuộc, không khắc ghi lời răn dạy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Người thầy có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong chính cuộc đời mỗi con người nói riêng.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu là “tôn sư, trọng đạo”. Nên trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực.
Người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” - Đạo làm người; thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người. Thầy Khổng Tử xưa cũng giáo dục học trò của mình bằng cách ấy và bao thế hệ học trò Nho gia đều vận dụng cách ấy mà truyền tải “đạo” của mình. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, nhà trường xưa kia quy định học trò phải xưng “con” với thầy. Học trò (thậm chí cả phụ huynh) gặp thầy phải khoanh tay trước ngực, thưa gửi đúng lễ nghi, kể cả người thầy đó không dạy mình. Để được thầy nhận dạy học, học trò cũng phải thực hiện nghi lễ “bái sư”, “nhập môn” (vái lạy thầy, xin được theo học đạo Thánh hiền). Nếu gia đình khá giả, mời thầy giáo đến nhà dạy học cũng đối đãi như với người bề trên. Nghĩa vụ của người học trò đối với thầy là phải “Sống tết, chết giỗ”, như bổn phận của người con hiếu thảo đối với cha mẹ. Đó là “Đạo làm trò”. Cha ông ta cũng nhắc nhở con cháu ghi nhớ ơn nghĩa sâu đậm của những người có ảnh hưởng, công lao trong cuộc đời mỗi người: Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Và mỗi năm, vào dịp Tết cổ truyền, người ta không thể quên: Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy. Họ truyền nhau, nhắc nhở nhau: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, người đã để lại cho dân tộc ta một tư tưởng vô giá, trong đó, tư tưởng của Người về giáo dục đào tạo có vị trí, vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có những con người xã hội chủ nghĩa, mà muốn có những con người xã hội chủ nghĩa thì cần phải có giáo dục”. Và theo Người, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn… Mỗi thầy cô giáo phải luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo; không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích lũy kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay đổi chóng mặt trong cách tiếp cận tri thức đặt ra thách thức lớn cho người giáo viên. Khi các cỗ máy tìm kiếm, mạng xã hội đang trở thành nguồn học vô tận, giáo viên không chỉ đơn thuần trao tri thức, mà còn phải trở thành người định hướng, khai mở tiềm năng cho học trò. Giáo sư Tony Wagner (Đại học Harvard) từng chia sẻ: “Thế giới ngày nay không quan tâm kiến thức của sinh viên là gì, mà quan trọng là sinh viên làm được gì với kiến thức đó”. Vì thế, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu.
Thời đại 4.0, giáo dục hướng tới phát triển cá nhân một cách tổng thể. Mục tiêu giáo dục đang hướng tới giúp mỗi người phát triển tối đa các trí thông minh tiềm ẩn của mình. Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, giáo viên không phải là người duy nhất có được kiến thức và thông tin giá trị. Thay vào đó, họ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, phân biệt sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng. Vai trò của giáo viên thay đổi, người học cũng thay đổi theo; độ tuổi học tập kéo dài suốt đời; ai cũng có thể dạy; lớp học ở mọi nơi, mọi lúc và tự học là yêu cầu bắt buộc.
Để đáp ứng được những thay đổi trong thời đại giáo dục 4.0, cần nhận thức rằng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học là một tất yếu trong điều kiện mới. Trong giảng dạy, giáo viên cần từng bước áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật hiện đại vào hoạt động giảng dạy của mình. Giáo viên cần nhận thức được vai trò mới của người thầy trong thời đại mới, đó là trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học. Người thầy không chỉ giúp trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn phải trang bị nhân cách cho người học. Vì vậy, người thầy phải là tấm gương sáng về đạo đức và tự học, có năng lực cảm hóa để giúp hình thành phẩm chất, năng lực, có hành vi đúng đắn, biết cách ứng xử. Để xứng đáng được tôn vinh, người thầy phải thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ. Làm thầy đã khó nhưng để trở thành người thầy tốt càng khó hơn.
Có thể nói, giáo dục luôn giữ vai trò quan trọng, quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia. Vì vậy, trân trọng, tôn vinh, đề cao vị thế, vai trò của người thầy, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục-đào tạo, không chỉ góp phần tạo động lực, khích lệ đội ngũ nhà giáo, yên tâm đảm nhận sứ mệnh cao cả và hết sức vinh quang, mà còn vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.
KIỀU NINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin