“Đến, gặp gỡ và dạy dỗ các em khiếm thính như một sự tình cờ, và cái duyên nghề, duyên người ấy đã cho tôi thêm một gia đình mới tràn đầy ấm áp. 14 năm gắn bó, từ chị trở thành “mẹ”, chứng kiến sự trưởng thành của các con chính là niềm hạnh phúc, tự hào lớn nhất”, chị Nguyễn Thị Mai Linh - giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ.
Chị Linh ân cần, chăm chút cho những học trò khiếm thính của mình suốt 14 năm qua |
Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 15 m
2 của Trường Khiếm thính Lâm Đồng, không một tiếng động, cô và trò đều đang chăm chú, tỉ mẫn thêu từng đường kim, mũi chỉ. Nhiều năm nay, với công việc dạy nghề cho các em khiếm thính, chị Linh vẫn luôn nhẹ nhàng và ân cần như vậy.
Nói là duyên nghề, duyên người, bởi trước đây, chị chưa từng nghĩ sẽ là giáo viên của trẻ khiếm thính. Nhớ lại hành trình của mình, chị Linh kể: “Khi còn nhỏ, mình luôn mong ước được đứng trên bục giảng như bố. Đó là lý do, khi tốt nghiệp xong lớp 12, mình chọn học tập tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (TP Hồ Chí Minh), ngành Kỹ thuật nữ công. Khó khăn trong tìm việc, ra trường, mình không về quê ở Đơn Dương (Lâm Đồng) mà chọn công việc kỹ thuật tại một Công ty May ở Sài Gòn”.
Công việc có phần ổn định, thế nhưng, ước mơ được đứng trên bục giảng vẫn cứ luôn thôi thúc, vì vậy, khi được một người bạn giới thiệu về Trường Khiếm thính Lâm Đồng, chị Linh đã lập tức quay trở về, nộp hồ sơ xin việc. Sau cuộc phỏng vấn, chị được nhận và phụ trách lớp móc len, nấu ăn cho các em khiếm thính. Chưa từng học giáo dục đặc biệt, càng không biết ngôn ngữ ký hiệu của trẻ khiếm thính, có lẽ, đó là quyết định mạo hiểm nhất của chị.
Với suy nghĩ đơn thuần, chỉ cần tận tâm, thương yêu các em và khi chưa học kịp ký hiệu thì có thể dạy học qua chữ viết, hình ảnh. Thế nhưng, mọi chuyện lại không dễ dàng như vậy “Ngày đầu đứng lớp, cảm giác bao trùm khi đó là một sự hoang mang đến bất lực, chữ viết hoàn toàn không đủ để mình truyền tải tất cả, các em không tiếp thu được kiến thức. Không có tiếng nói chung, khoảng cách giữa cô và học trò càng trở nên xa cách, và càng khó xử hơn trong không gian im bặt. “Mình đã bật khóc ở những buổi dạy đầu tiên”, chị Linh nhớ lại.
Không bỏ cuộc khi chưa thực sự cố gắng, chị lấy lại tinh thần. Ngoài giờ lên lớp, chị Linh dành toàn bộ thời gian rảnh để học ngôn ngữ ký hiệu. Chị cũng bên cạnh học sinh nhiều hơn, không chỉ để học thêm ký hiệu mà còn để hiểu, chia sẻ và đồng cảm. Cũng chính từ sự chân thành ấy, các em đã dần mở cánh cửa lòng mình mà thân thiện, chia sẻ với cô giáo nhiều hơn. Chị Linh tâm sự: “Sinh ra đã bị khiếm khuyết, không thể nghe, không thể nói, các em không được chia sẻ, chính vì vậy, khi có người chịu lắng nghe, yêu thương và thấu hiểu, các em hạnh phúc vì điều đó”.
Càng gần gũi với học sinh, chị càng thấu hiểu rõ những thiệt thòi, thiếu thốn mà các em phải gánh chịu; cùng với sự giúp đỡ thân tình của đồng nghiệp, chị càng có thêm lý do để gắn bó với trường và tiếp tục cố gắng giúp các em đỡ phần tự ti, tự tin sải bước trên chặng đường của mình.
Chia sẻ về các lớp dạy nghề, chị Linh cho biết, trường có hai lớp chủ đạo là thêu và may công nghiệp; ngoài ra, còn có pha chế, làm bánh, trà hoa và vẽ trên các sản phẩm công nghiệp. Ngôn ngữ ký hiệu có phần hạn chế, do vậy, để các em có thể cảm nhận cái đẹp trong từng đường nét, sản phẩm, chị dày công tìm hiểu, tổng hợp những video, hình ảnh sinh động giúp học sinh cảm nhận, hình dung và thực hành một cách dễ dàng hơn. Nhiều năm dạy học cho trẻ khiếm thính, chị Linh nhận thấy, bù lại những thiệt thòi khiếm khuyết, các em có được khả năng quan sát và tập trung cao độ, không chỉ tiếp thu nhanh mà các sản phẩm cũng trở nên sinh động và tinh tế hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Nhiều sản phẩm của các bạn khiếm thính đã được trưng bày tại không gian Lặng Art của trường, và được nhiều khách hàng đến mua. “Đây chính là món quà tinh thần lớn nhất của các em; khi thành quả của mình được công nhận, các em càng cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa hơn”, chị Linh chia sẻ.
Suốt 14 năm gắn bó, chứng kiến học trò của mình lớn dần, từ mầm non đến tiểu học, trung học, ra trường cho đến khi có việc làm, lập gia đình, chị Linh từ một người chị, một cô giáo, đã trở thành một người “mẹ” thực sự khi nhìn các con dần trưởng thành.
Với sự yêu thương, tận tâm trong sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là với trẻ khiếm thính, chị Nguyễn Thị Mai Linh được ghi nhận là một trong những Nhà giáo trẻ tiêu biểu của tỉnh. Nhìn lại quãng thời gian đã đi qua, bước sang tuổi 36, chị đã dành khoảng thanh xuân, tươi trẻ của mình để dìu dắt, yêu thương, vun vén cho các con của mình. Với chị, mong muốn lớn nhất hiện tại là làm sao để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho các con bước vào đời; trao cho các con “chìa khóa mở cửa giao tiếp với xã hội” và được đón nhận, tự tin nỗ lực cho ước mơ của mình.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin