(LĐ online) - Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, giá cả một số mặt hàng tăng cao, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự quản lý, điều hành của UBND huyện, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, địa phương nên kinh tế - xã hội của huyện Đam Rông tiếp duy trì đà tăng trưởng và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
|
Cơ sở hạ tầng tại trung tâm hành chính Bằng Lăng được đầu tư ngày càng đồng bộ |
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt trên 3.600 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 12,18% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 17.800 tấn, bằng 100,89% kế hoạch, tăng 2,95% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã có sự phát triển mạnh mẽ, đến nay toàn huyện có trên 800 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng hơn 700ha, tương ứng tăng 7,6 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có 25ha đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gồm 10ha mắc ca và 15ha sầu riêng; 5 mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh; 18,5ha nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao và có 123ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, năm qua, lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức 20 đợt đi kiểm tra thực tế công tác quản lý bảo vệ rừng, tập trung vào các khu vực trọng yếu, dễ xảy ra vi phạm để chỉ đạo trực tiếp; phê duyệt các kế hoạch kiểm tra, truy quét vùng trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; triển khai kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng 4,4 triệu cây xanh, Đề án “tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đã giải tỏa cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm với tổng diện tích 140ha, trong đó Ban QLRPH Sêrêpốk giải tỏa với tổng diện tích 97,5ha; Ban QLRPH Phi Liêng giải tỏa với diện tích 43,07ha.
Về công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát quy hoạch 3 loại rừng để chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với các tiêu chí và chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với phương châm tuyệt đối không để phát sinh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện, tránh hợp thức hóa việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng và việc hợp thức hóa đất công thành đất tư.
|
Thôn Phi Có, xã Đạ Rsal hình thành nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán sầm uất |
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ năm 2022 đến nay là trên 300 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 129 công trình. Đến nay, giá trị giải ngân các nguồn vốn được gần 170 tỷ đồng, đạt 54,5% so với kế hoạch vốn phân bổ và ngân sách huyện bố trí đầu tư một số công trình.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đạ R’Sal, Rô Men, Phi Liêng, Đạ K’Nàng. Trong đó, xã Đạ R’Sal được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu; xã Rô Men đạt 10/19 tiêu chí NTM nâng cao; xã Phi Liêng đạt 14/19 tiêu chí NTM nâng cao; xã Đạ K’Nàng đạt 9/19 tiêu chí NTM nâng cao; có 3 xã đạt từ 16-17 tiêu chí NTM (Đạ Long 16/19, Đạ M’Rông 17/19, Liêng Srônh 17/19); xã Đạ Tông đạt 18/19 tiêu chí và chưa đảm bảo tiêu chí về đích nông thôn mới do tỷ lệ hộ nghèo chưa đạt.
Về công tác giảm nghèo, qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn huyện còn 1.019 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,9%, giảm 7,9% so với cuối năm 2021 và tương ứng giảm 1.111 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là giảm 2,3%; hộ cận nghèo có 1.826 hộ, chiếm 12,4%, giảm 7,29% so với cuối năm 2021 và tương ứng giảm 1.016 hộ cận nghèo.
|
Nhiều hộ dân ở xã Đạ M'rông vươn lên thoát nghèo nhờ trồng dâu, nuôi tằm |
Đối với lĩnh vực Y tế, trong năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và các loại dịch bệnh trên địa bàn huyện, đặc biệt công tác tiêm phòng vắcxin Covid-19 được đảm bảo, an toàn, tiến độ theo kế hoạch, đến nay tổng số mũi tiêm vắc xin Covid-19 đạt gần 160 nghìn mũi.
Trong công tác giáo dục, ngành Giáo dục tiếp tục bám sát hướng dẫn của ngành và yêu cầu chỉ đạo của huyện để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, duy trì sỹ số ở các bậc học; thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Tổng kết năm học 2021-2022, toàn huyện có 27/36 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ duy trì sỹ số và lên lớp các bậc học đều cao hơn so với cùng kỳ; kết quả kỳ thi THPT năm 2022 toàn huyện số học sinh đậu tốt nghiệp đạt 98,5%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo giữ vững; công tác cải cách hành chính được tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, đã xử lý kịp thời các vụ vi phạm, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực giảm bớt tình trạng đơn thư, khiếu nại kéo dài không giải quyết gây bức xúc trong nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, với một bức tranh tổng quát về kinh tế - xã hội của Đam Rông đã toát lên những gam màu sáng, với nhiều tiềm năng và cơ hội sẽ tiếp tục được khai thác vươn lên để phát triển bền vững. Bước sang năm mới 2023, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chung tay góp sức để tạo ra sức mạnh tổng hợp, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà cho huyện Đam Rông phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong những năm tiếp theo.
TRẦN PHÚ VINH